Đầu sói cổ đại đông lạnh 40.000 năm được tìm thấy trong băng vĩnh cửu
Đầu của một con sói, có đủ răng, lông, và còn nguyên vẹn 40.000 năm qua trong lớp đất đóng băng quanh năm, vừa được phát hiện ở miền đông Siberia.
Chiếc đầu sói được phát hiện bên bờ sông Tirekhtyakh ở Yakutia (một nước cộng hòa thuộc Nga, còn gọi là Sakha) khi người dân địa phương đang tìm kiếm ngà voi ma mút. Họ mang nó đến khoa nghiên cứu voi ma mút tại Viện Hàn lâm Khoa học của Cộng hòa Sakha.
Trưởng khoa Albert Protopopov nói với CNN rằng trước đây, đã tìm thấy những xác sói con đông lạnh, nhưng việc phát hiện ra đầu sói trưởng thành là điều hiếm thấy.
"Đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy đầu của một con sói cổ đại, mà mô mềm được bảo quản sau 40.000 năm, và là sói trưởng thành", ông nói.
Các nhà khoa học đang xây dựng mô hình kỹ thuật số của não và bên trong hộp sọ để nghiên cứu thêm, ông Protopopov nói. Một nhóm ở Stockholm đang phân tích ADN của con sói.
Xác một sư tử con được bảo quản trong vùng băng giá rộng lớn của Yakutia, cũng đang được nghiên cứu. Con sư tử thuộc loài cổ xưa, sống trong hang và đã tuyệt chủng.
Với hiện tượng nóng lên toàn cầu, khu vực này sẽ hé lộ nhiều xác chết hơn, theo ông Protopopov.
"Số lượng tìm được đang tăng lên do sự tan chảy của băng vĩnh cửu", ông nói.
Đầu năm nay, các nhà khoa học phát hiện máu và nước tiểu lỏng trong xác đông lạnh của một ngựa con 42.000 tuổi, cũng được bảo quản trong băng vĩnh cửu.
Những người săn ngà voi ma mút ở vùng Verkhoyansk của Siberia đã tìm thấy nó. Các nhà khoa học hy vọng sẽ nhân bản con ngựa được bảo quản và phát hiện một cách bất ngờ này.
Năm 2016, các nhà khoa học Nga cho biết sự tan chảy của một xác tuần lộc bị nhiễm bệnh than, đông lạnh 75 năm nay, đã gây ra một đợt bùng phát bệnh than ở miền tây Siberia.