Dấu son lịch sử của người Việt tại Pháp

100 năm trước, tại Paris (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh 'Nhóm người An Nam yêu nước' - tiền thân của Phong trào Việt kiều yêu nước và Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay. Qua nhiều thế hệ và trải bao thăng trầm, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử ấy, những người Việt tại Pháp vẫn giữ một lòng gắn bó với dân tộc...

Hội người Việt Nam tại Pháp đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất ngày 31/3/2019. (Nguồn: UGVF)

“Tổ quốc luôn ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, tài năng, những đóng góp quý giá cho quê hương của các thế hệ kiều bào tại Pháp, chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về người Việt Nam: gắn bó sâu sắc với nguồn cội, luôn hướng về quê hương, đóng góp cho sự thành công chung của nước Pháp. Hội Người Việt Nam tại Pháp là minh chứng sống động của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Hội người Việt Nam tại Pháp vào ngày 31/3/2019.

Mới đây, tại Hội trường lịch sử Mutualité - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp kiều bào tại Pháp ngày 15/7/1946, Lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào Việt kiều yêu nước (PTVKYN) và Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã được tổ chức.

Tại buổi lễ trang trọng với sự góp mặt của đông đảo các hội đoàn và bà con kiều bào tại Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp to lớn của Hội trong suốt quá trình đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đặc biệt, trong thời gian Đoàn ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tham dự Hội nghị Fontainebleau, cũng như những năm tháng phái đoàn ngoại giao của nước VNDCCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, bà con kiều bào cùng Hội đã hết sức quan tâm và giúp đỡ trên mọi phương diện.

Những tháng ngày đáng nhớ

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai sinh “Nhóm An Nam yêu nước”, mà còn kêu gọi nhiều nhân sĩ, trí thức hàng đầu người Việt ở Pháp về nước tham gia kháng chiến như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên hay kỹ sư Võ Quý Huân…. Tiếp nối thế hệ đi trước, hiện nay, nhiều nhân sỹ, trí thức thuộc thế hệ sau vẫn tiếp tục đóng góp cho công cuộc phát triển quê nhà.

Nói về quá trình hình thành và phát triển của PTVKYN tại Pháp, Chủ tịch UGVF Ngô Kim Hùng cho biết cách đây vừa tròn một thế kỷ vào ngày 18/6/1919, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt “Nhóm người An Nam yêu nước” gửi Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Versailles, mở đầu cho hoạt động của các hội đoàn yêu nước của người Việt tại Pháp sau này và hiện nay là UGVF.

Dù trải qua nhiều hình thức và danh nghĩa khác nhau, PTVKYN tại Pháp luôn có một lý tưởng kiên định, nhất quán, gắn bó với dân tộc với bầu nhiệt huyết không phai trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để rồi, đến năm tháng 4/1976, sau khi đất nước thống nhất, UGVF chính thức được thành lập và tiếp tục các hoạt động hướng về đất nước cho đến ngày hôm nay.

Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm 100 năm Phong trào Việt kiều yêu nước, ngày 15/6/2019 tại Paris, Pháp.

Với ông Nguyễn Văn Bổn – người gắn bó lâu năm và hiện là Chủ tịch đặc trách đối ngoại của UGVF, hoạt động PTVKYN đã được định hướng rõ hơn tại Hội trường Maison de la Mutualité vào ngày 15/7/1946. Nơi đây, trước sự hiện diện của hơn 2.000 kiều bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ về tinh thần và phương hướng hoạt động cho PTVKYN tại Pháp rằng: “Tổ quốc trên hết. Dân dộc trên hết. Đoàn kết chặt chẽ. Tôn trọng kỷ luật”.

Ông Bổn còn cho biết, vào năm 1955, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi tới cộng đồng kiều bào Pháp những lời tha thiết: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự cường. Sao vàng cờ đỏ dẫn đường chúng ta. Mấy câu thuận miệng nôm na. Một lòng yêu nước, bài ca kiều bào”.

Đặc biệt, năm 1969, sau chặng đường nửa thế kỷ, PTVKYN may mắn liên tiếp nhận được hai bức thư trong vòng 6 tháng của Bác kính yêu. Trong thư của Người có đoạn viết: “Nay thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp là một sự kiện rất quan trọng nói lên ý chí của kiều bào ta quyết tăng cường đoàn kết, hưởng ứng đồng bào trong nước trong giai đoạn quyết liệt hiện nay để đánh thắng hoàn toàn đế quốc xâm lược… Miền Nam nhất định sẽ được giải phóng. Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Mong các cụ và anh chị em cố gắng hơn nữa, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Pháp anh em”…

“Người còn ân cần căn dặn những điều cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh”. Hôm đó, mọi người chúng tôi ai cũng thấy dâng trào niềm xúc động khi nhìn lá thư cùng bức ảnh với chữ viết tay Bác Hồ. Không ai nghĩ là ba tháng sau Bác mãi mãi ra đi”, ông Nguyễn Văn Bổn nhớ lại.

“Một thế kỷ - một con đường”

Đó là tên ấn phẩm đặc biệt vừa được UGVF hoàn thiện với những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện sinh động về hoạt động yêu nước của nhiều thế hệ Việt kiều tại Pháp. Cuốn sách kèm DVD là một công trình tập thể, được thực hiện trong suốt 21 tháng để ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm PTVKYN và UGVF.

Từ những mảnh lịch sử được ghép lại theo từng trang sách, có thể nhận ra các thế hệ người Việt Nam tại Pháp luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, luôn một lòng hướng về Tổ quốc, luôn tràn đầy tâm huyết và tình cảm dành cho quê hương. Trên suốt con đường lịch sử 100 năm ấy, họ cũng luôn làm hết sức mình để tăng cường và mở rộng khối đoàn kết cộng đồng, cũng như làm cầu nối tích cực giữa hai dân tộc.

Hiện tại, cộng đồng người Việt tại Pháp có khoảng hơn 300.000 người, trong đó có khoảng trên 4000 người có trình độ đại học trở lên thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và có nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Tiếp nối truyền thống của những thế hệ đi trước, UGVF có nhiều các hoạt động hữu ích, như: giúp đỡ cho đồng bào mới sang hòa nhập cộng đồng; tổ chức hoạt động Nhịp cầu thân ái, quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong và ngoài nước gặp khó khăn; tổ chức các trại hè thiếu nhi, mở các lớp dạy múa, hát, văn nghệ, thể thao, học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong cộng đồng...

Chủ tịch UGVF Ngô Kim Hùng khẳng định, từ dấu mốc lịch sử 100 năm, UGVF tiếp tục phát huy vai trò là hội đoàn có uy tín, ảnh hưởng, tập hợp được đông đảo thế hệ kiều bào tại Pháp hướng về quê hương, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, vun đắp và thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt - Pháp.

“Tháng 4/1969, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã ra đời, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt kiều yêu nước cùng với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Chính sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng cánh tả (nhất là Đảng Cộng sản Pháp - PCF), cùng đóng góp trực tiếp của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã góp phần quan trọng cho thắng lợi của Hiệp định Paris 1973” - Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp phát biểu tại buổi gặp mặt kiều bào tại Pháp nhân kỷ niệm 30/4 và 1/5/2019.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-son-lich-su-cua-nguoi-viet-tai-phap-96214.html