''Đầu tàu'' kinh tế của tỉnh
Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong 5 năm qua đều thực hiện đạt và vượt, kinh tế của TP Đà Lạt phát triển nhanh, bền vững, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của tỉnh và cả nước. Đến nay, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo và được khẳng định là 'đầu tàu' kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh, bền vững với mức tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hơn 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/năm, các lĩnh vực thế mạnh của địa phương tiếp tục được khẳng định, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh. “Đà Lạt không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng, mà còn là thành phố du lịch của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, tuy phải đối mặt với nhiều thách thức; nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã chủ động vượt qua khó khăn, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của tỉnh”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu.
Nổi bật là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, thương mại. Đây được xác định là ngành kinh tế động lực, quyết định sự tăng trưởng của thành phố, với tỷ trọng 67,5% trong cơ cấu phát triển kinh tế địa phương.
Hiện Đà Lạt có hơn 2.130 cơ sở lưu trú; 46 khu, điểm tham quan du lịch, du lịch canh nông và 20 điểm tham quan công trình kiến trúc, tôn giáo, với các sản phẩm hấp dẫn, phong phú; không gian, dịch vụ du lịch được khai mở, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, thể thao mạo hiểm; văn hóa bản địa; nguồn nhân lực phục vụ du lịch và dịch vụ bảo đảm về lượng và chất, với hơn 9.700 lao động, phần lớn được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Với sự ưu đãi của tự nhiên, cùng sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch, hàng năm, Đà Lạt đón hàng triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2019, đã có hơn 6,1 triệu du khách đến với xứ ngàn hoa và lượng khách hàng năm đều tăng trên 9%.
Các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, mạng lưới chợ dân sinh trên địa bàn TP Đà Lạt được mở rộng, nhất là tại địa bàn các xã. Quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ được chú trọng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; kịp thời thực hiện các chương trình bình ổn giá và xử lý gian lận thương mại. Tổng giá trị doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đạt 61.649 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 388 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch đề ra.
Cùng với việc phát triển du lịch, các lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; xây dựng nông thôn mới; xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế tập thể; quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển rừng…, được chú trọng, phát triển theo hướng tích cực.
5 năm qua, Đà Lạt đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp thông minh được đẩy mạnh; chất lượng và giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao. Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6.730 ha, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 400 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình trồng hoa lily, địa lan…, có giá trị sản xuất đạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Thành phố đã xây dựng ba vùng sản xuất đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và năm đơn vị được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Quan hệ sản xuất đã được đổi mới, các mô hình chuỗi giá trị khép kín được hình thành đã thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn thành phố đã hình thành 27 chuỗi giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp và các hộ nông dân, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết hơn 42%. Nông sản Đà Lạt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa - xã hội của người dân Đà Lạt từng bước được nâng lên; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư; đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách với người có công; công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Mỗi năm đã giải quyết việc làm mới cho trên 4.000 lao động. Cùng với đó, thành phố rất quan tâm, chăm lo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San, đạt được những kết quả trên là nhờ được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sự chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố. Đặc biệt, người dân luôn cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm; phần lớn các doanh nghiệp, doanh nhân luôn nỗ lực vượt khó, chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngày càng to lớn cho sự phát triển của thành phố.
Các khâu đột phá trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng quản lý theo quy hoạch đạt nhiều kết quả tích cực. Các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, các đồ án quy hoạch cụ thể hóa các khâu đột phá được thực hiện xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị.
Trong 5 năm tới, Đà Lạt quyết tâm xây dựng thành phố phát triển toàn diện với phương châm hành động mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vạch ra đó là: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng đổi mới, sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, phát triển toàn diện, bền vững”. Đồng thời, xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị di sản, đô thị tăng trưởng xanh và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế… duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của Lâm Đồng.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202010/dau-tau-kinh-te-cua-tinh-3025939/