Dâu tây đắt nhất thế giới
Nhiều người đang coi dâu tây chín vào mùa đông là tự nhiên, mà không hề biết rằng chúng là sản phẩm của sự đảo ngược mùa vụ, đi kèm với đó là tác động đáng bàn về môi trường.
Bánh bơ giòn dâu tây.
Mochi dâu tây.
Strawberries à la mode.
Những món bánh như lời hứa hẹn của hạnh phúc này hẳn gợi lên cảm giác về mùa hè vui tươi. Thế nhưng, ở Nhật Bản, mùa dâu tây chín rộ lại rơi vào những ngày đông - mùa lạnh giá của những trái căng mọng đẹp như tranh vẽ. Những trái hoàn hảo nhất có thể được bán với giá hàng trăm USD để làm quà tặng đặc biệt.
Cuộc đua hatsumono tràn sang dâu tây
Theo New York Times, những trái dâu tây Nhật Bản đi kèm với “phí tổn” về mặt môi trường. Để có một mùa xuân nhân tạo trong những tháng mùa đông, nông dân phải trồng những quả dâu trái mùa đó trong nhà kính - vốn được sưởi ấm bằng những máy sưởi lớn ngốn rất nhiều năng lượng.
“Người ta đang coi dâu tây chín vào mùa đông là tự nhiên”, Satoko Yoshimura, một nông dân trồng dâu tây ở Minoh, cho biết. Cho đến vụ mùa trước, bà vẫn đốt dầu hỏa để sưởi ấm nhà kính suốt mùa đông dài, khi nhiệt độ có thể xuống dưới mức đóng băng.
Tuy nhiên, khi tiếp tục đổ nhiên liệu vào lò sưởi, bà đã đặt câu hỏi nhức nhối: “Chúng ta đang làm gì vậy?”.
Việc trồng trái cây và rau củ trong nhà kính vốn không phải điều gì xa lạ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngành dâu tây Nhật Bản “đi xa” tới mức hầu hết nông dân nước này đã ngừng trồng dâu tây đúng vụ, trong những tháng ấm hơn do ít sinh lợi hơn. Thay vào đó, vào mùa hè, Nhật Bản nhập khẩu phần lớn nguồn cung dâu tây.
Đây là ví dụ điển hình cách những kỳ vọng ngày nay về sản phẩm tươi quanh năm, có thể tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu đáng kinh ngạc, góp phần gây biến đổi khí hậu, để đổi lại là những trái dâu tây (hay cà chua, dưa leo) ngay cả khi nhiệt độ tụt sâu.
Cho đến vài thập kỷ trước, mùa dâu tây của Nhật Bản bắt đầu vào mùa xuân và kéo dài đến đầu mùa hè. Tuy nhiên, thị trường nước này có truyền thống đề cao các sản phẩm đầu mùa hay còn gọi là “hatsumono”, từ cá ngừ đến gạo và trà.
Một sản phẩm hatsumono có thể mang lại giá cao gấp nhiều lần bình thường, và thậm chí còn gây sốt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Khi nền kinh tế tiêu dùng của đất nước cất cánh, cuộc đua hatsumono đã tràn sang dâu tây. Các nông trại bắt đầu chạy đua để đưa dâu tây ra thị trường ngày càng sớm hơn và gần đầu năm hơn.
Ông Daisuke Miyazaki, Giám đốc điều hành của Ichigo Tech, một công ty tư vấn dâu tây có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Mùa dâu cao điểm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 3, tới tháng 2 đến tháng 1 và cuối cùng là Giáng sinh”.
Nhà kính kiểm soát thời tiết - con dao hai lưỡi
Ngày nay, dâu tây là mặt hàng chủ lực trong dịp Giáng sinh ở Nhật Bản, nhân vật chính trong bánh Giáng sinh được bán trên khắp đất nước trong suốt tháng 12. Ông Miyazaki cho biết một số nông dân đã bắt đầu giao hàng dâu tây đầu mùa vào tháng 11.
Việc nước này chuyển sang trồng dâu tây trong thời tiết lạnh giá đã khiến ngành này tiêu tốn nhiều năng lượng hơn đáng kể. Theo các phân tích về phát thải khí nhà kính ở Nhật Bản, lượng phát thải của dâu tây gấp khoảng 8 lần so với nho và hơn 10 lần so với cam quýt.
Bà Naoki Yoshikawa, nhà nghiên cứu về khoa học môi trường tại Đại học tỉnh Shiga, nhận định: “Tất cả đều bắt nguồn từ việc sưởi ấm. Chúng tôi đã xem xét tất cả khía cạnh, bao gồm cả vận chuyển hoặc quá trình sản xuất phân bón - ngay cả khi đó, hệ thống sưởi phát thải nhiều carbon nhất”.
Những trường hợp như vậy đã làm phức tạp thêm quan điểm tiêu thụ thực phẩm tại địa phương. Một số người tiêu dùng có quan niệm ưu tiên mua thực phẩm được sản xuất gần, một phần để cắt giảm nhiên liệu và ô nhiễm liên quan đến vận chuyển.
Shelie Miller, giáo sư tại Đại học Michigan (Mỹ) chuyên về khí hậu - thực phẩm - bền vững, cho biết việc vận chuyển thực phẩm thường ít gây tác động đến khí hậu hơn so với phương pháp sản xuất.
Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy cà chua được trồng trong nhà kính có sưởi ấm ở Anh có “dấu chân carbon” cao hơn so với cà chua trồng ở Tây Ban Nha (trồng bên ngoài và đúng mùa) và vận chuyển tới các siêu thị ở Anh.
Nhà kính kiểm soát thời tiết có thể mang lại những lợi ích như giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời có thể tạo ra năng suất cao hơn.
Tuy nhiên, giáo sư Miller cho biết điểm mấu chốt là “sẽ lý tưởng nếu bạn có thể ăn trái đây vừa trồng tại chỗ, vừa đúng mùa, để quá trình nuôi trồng không gây thêm tổn hại đáng kể tới môi trường”.
Ở Nhật Bản, năng lượng cần thiết để trồng dâu tây vào mùa đông không chỉ là gánh nặng khí hậu. Điều đó cũng làm cho việc trồng loại trái cây này trở nên đắt đỏ, đặc biệt là khi chi phí nhiên liệu tăng cao, gây tổn hại đến lợi nhuận của nông dân.
Việc nghiên cứu và phát triển các giống dâu khác nhau, cũng như xây dựng thương hiệu, đã giúp giảm bớt một số áp lực đó bằng cách giúp nông dân bán với giá cao hơn.
Nhiều loại dâu tây ở Nhật Bản được bán với những cái tên ngộ nghĩnh như Beni Hoppe (má đỏ), Koinoka (hương tình yêu), Bijin Hime (công chúa xinh đẹp). Cùng với các loại trái cây đắt tiền khác như dưa hấu, chúng thường được dùng làm quà tặng.
Phải thay đổi thôi
Tochigi, tỉnh phía bắc trồng nhiều dâu tây nhất đất nước Mặt Trời mọc, đã nỗ lực giải quyết các thách thức về khí hậu và chi phí bằng một loại dâu tây mới có tên là Tochiaika. Đây là phiên bản rút gọn của cụm từ “trái cây yêu thích của Tochigi".
Giống mới này có trái lớn hơn, kháng bệnh tốt hơn và cho năng suất cao hơn từ cùng một nguyên liệu đầu vào. Điều đó giúp việc trồng trọt tiết kiệm năng lượng hơn.
Dâu tây Tochiaika cũng có vỏ săn chắc hơn, từ đó giảm số lượng dâu tây bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Điều này cũng giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm, vốn tác động tiêu cực tới khí hậu.
Bên cạnh đó, thay vì máy sưởi, một số nông dân ở Tochigi sử dụng “bức màn nước”, một luồng nước bao bọc bên ngoài nhà kính để giữ nhiệt độ bên trong không đổi (song điều này lại đòi hỏi một nguồn nước ngầm dồi dào).
“Nông dân có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu và giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu", ông Takayuki Matsumoto, một thành viên của nhóm đã giúp phát triển dâu tây Tochiaika, cho biết.
“Điều đó thật lý tưởng”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều nỗ lực liên quan khác cũng đang được thực hiện. Các nhà nghiên cứu ở thành phố Sendai đã khám phá cách khai thác năng lượng Mặt Trời để giữ nhiệt độ bên trong nhà kính trồng dâu tây luôn ấm.
Trong khi đó, cô Yoshimura đã muốn loại bỏ chiếc máy sưởi công nghiệp khổng lồ của mình vào mùa đông năm 2021.
Cô đã dành phần lớn thời gian trong những ngày bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 để tìm hiểu về biến đổi khí hậu.
Một loạt trận lũ lụt tàn khốc vào năm 2018 đã phá hủy những vạt cà chua tại trang trại mà Yoshimura điều hành cùng chồng. Điều đó cũng khiến cô nhận thức được mối nguy hiểm của một hành tinh đang nóng lên.
“Tôi nhận ra rằng mình cần phải thay đổi cách làm nông nghiệp vì lợi ích của các con tôi”, cô nói.
Tuy vậy, ở vùng đồi núi Minoh, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -7 độ C, mức mà cây dâu tây thường không sống nổi. Do đó, Yoshimura đã nghiên cứu sâu về nông nghiệp để cố gắng tìm ra cách khác để vận chuyển dâu tây của mình trong những tháng mùa đông vẫn sinh lợi mà không sử dụng sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch.
Cô đọc được thông tin rằng dâu tây cảm nhận được nhiệt độ thông qua một bộ phận của cây được gọi là thân gốc, hay phần thân dày ngắn ở gốc cây. Cô cho rằng nếu có thể sử dụng nước ngầm, thường duy trì ở nhiệt độ không đổi, để bảo vệ phần thân gốc này khỏi nhiệt độ đóng băng, thì cô sẽ không cần phải dựa vào hệ thống sưởi công nghiệp.
Cô nỗ lực nhằm được địa phương công nhận những quả dâu tây không sử dụng năng lượng hóa thạch để sưởi ấm của mình. “Thật tuyệt nếu chúng ta có thể trồng dâu tây một cách tự nhiên”, cô khẳng định.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dau-tay-dat-nhat-the-gioi-post1457043.html