Đau tê - dấu hiệu hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay khiến người bệnh bị đau tê từ cổ tay tới bàn tay, nặng hơn là mất cảm giác ngón tay, dễ làm rơi đồ vật khi cầm nắm.
Hội chứng ống cổ tay khiến người bệnh bị đau tê từ cổ tay tới bàn tay, nặng hơn là mất cảm giác ngón tay, dễ làm rơi đồ vật khi cầm nắm.
Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, chia sẻ hội chứng ống cổ tay là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp, khoảng 3,8% dân số mắc phải. Triệu chứng đặc trưng là đau, tê vùng cổ tay lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Cơn đau, tê tăng khi hoạt động cổ tay liên tục trong thời gian dài (lái xe, gõ bàn phím, viết chữ...). Bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng lao động và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh là dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Bệnh này nữ thường gặp hơn nam và gấp 4 lần nam giới trong cùng độ tuổi. Về lâu dài, nếu không được điều trị nghiêm túc, bệnh có thể dẫn đến tình trạng teo cơ vùng mô ngón cái, mất vận động ngón cái và bàn tay.
Một số triệu chứng thường gặp như đau, tê vùng cổ tay lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa (có thể có ngón đeo nhẫn), đau bàn tay, cổ tay và đôi khi vùng cẳng tay. Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe, gõ bàn phím, viết chữ... triệu chứng tê và đau sẽ nặng hơn. Nặng hơn thì biểu hiện mất cảm giác các ngón tay, yếu bàn tay, cầm đồ vật dễ rớt, không đối chiếu được ngón cái với các ngón...
Phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, điều trị sẽ hiệu quả, giảm biến chứng, thời gian điều trị ngắn, chi phí ít. Phương pháp điều trị là dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau (giảm triệu chứng viêm, giảm áp lực thần kinh giữa, cải thiện triệu chứng). Bác sĩ có thể chích thuốc corticoide vào ống cổ tay - biện pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, tránh chích vào dây thần kinh giữa. Trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc đáp ứng kém, nguy cơ teo cơ cao, bác sĩ sẽ phẫu thuật để giảm tải áp lực lên thần kinh giữa.
Ngoài ra, bệnh nhân phải kết hợp vật lý trị liệu như siêu âm trị liệu, mang nẹp cổ tay, tập vận động cổ tay; hoặc điều trị bằng y học cổ truyền với các biện pháp châm cứu, cấy chỉ giảm đau, giảm viêm, giải phóng áp lực lên thần kinh giữa.
Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc đã có từ hàng nghìn năm lịch sử, giảm đau, giảm tê. Ngày nay, các thầy thuốc y học cổ truyền áp dụng nhiều kỹ thuật châm cứu từ cổ điển đến hiện đại, như hào châm, điện châm, thủy châm, laser châm, cấy chỉ... Tùy từng bệnh nhân, thầy thuốc sẽ lựa chọn phương án điều trị thích hợp.
"Điều trị hội chứng ống cổ tay, châm cứu là một lựa chọn nếu người bệnh không muốn sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm trong thời gian dài", bác sĩ Thy chia sẻ.