Đầu tháng 9-2024: Sẽ cấp phép khai thác cát

Chiều 7-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch 240-KH-UBND ngày 25-6-2024 về thực hiện Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện Bí thư, Chủ tịch UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Chánh Thanh tra, Trưởng Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã giáp ranh với sông Tiền có mỏ cát…

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang đã thông tin cụ thể về Kế hoạch 240 của UBND tỉnh và thông tin các vấn đề chuyên môn.

Theo Sở TN&MT, mục tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch 240 là khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, các công trình trong và ngoài tỉnh, nhu cầu san lấp của các tổ chức, cá nhân.... Đồng thời, hạn chế thất thoát tài nguyên, tăng thu ngân sách cho địa phương và bảo vệ môi trường…

Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 31 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua là khoảng 41,8 triệu m3.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, 18 khu vực mỏ đã cấp phép khai thác trước đây và đã hết hạn, tạm dừng khai thác từ năm 2013 và 13 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác. Công suất khai thác cát giai đoạn 2023 - 2025 là 4,5 triệu m3, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 triệu m3.

Giải pháp thực hiện Kế hoạch 240 là các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện 8 giải pháp được đề ra tại Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 7-8-2023.

Một trong những giải pháp quan trọng là ưu tiên xem xét, cấp giấy phép khai thác đối với các mỏ giáp ranh các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre (khu vực huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành); các khu vực cần chỉnh trị dòng chảy; các khu vực mỏ thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép...

Lãnh đạo Sở TN&MT phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo Sở TN&MT phát biểu tại hội nghị.

Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản nếu có phát sinh sự cố thì chủ dự án phải dừng ngay hoạt động khai thác khoáng sản và phải có trách nhiệm cùng với cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.

UBND huyện, thị xã, thành phố nơi có hoạt động khoáng sản chủ động đánh giá tình hình sạt lở lòng bờ, bãi sông để báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ kết luận tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho 5 dự án gồm: Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m3; Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3.

Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện chỉ đạo này, trước mắt, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh thủ tục khai thác các mỏ cát theo quy định tại 3 mỏ cát trên sông Tiền thuộc huyện Cái Bè để cung cấp khoảng 6,6 triệu m3 cát cho Dự án Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh theo quy trình 6 bước.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha cho biết, cấp ủy huyện, xã, thống nhất rất cao và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị này.

Qua thăm dò ý kiến, người dân tại các khu vực có mỏ các đồng thuận về việc khai thác cát. Vấn đề đặt ra là một số hộ dân có ý kiến về phạm vi khai thác nên đưa ra xa bờ một chút nữa.

Khi có giấy phép thăm dò, khai thác, huyện cần thông tin chính xác về tọa độ, trữ lượng, giờ khai thác, bao nhiêu phương tiện để người dân tham gia giám sát, kiểm tra. Đồng thời, cần có tài liệu tuyên truyền và thông tin để chính quyền địa phương và người dân tham gia giám sát kỹ việc khai thác cát.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, Kế hoạch 240 là kế hoạch chung cho việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh từ nay về sau. Các sở, ngành và địa phương thực hiện theo tinh thần kế hoạch này.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT phải xây dựng hoàn chỉnh bộ tài liệu tuyên truyền về việc khai thác cát. Các địa phương cần quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân.

Các địa phương, sở, ngành liên quan rà soát xác định các dự án mang tính trọng điểm của tỉnh báo cáo về Sở Xây dựng và đưa vào danh mục để thông qua sớm.

Trên cơ sở đó, sau khi cấp phép khai thác các mỏ cát phục vụ cho 5 dự án trọng điểm phía Nam theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì triển khai ưu tiên nguồn cát cho những dự án này.

Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có trao đổi, sơ kết đánh giá. Hiện các ngành chức năng đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục cấp phép, việc cấp phép khai thác cát sẽ diễn ra bắt đầu từ đầu tháng 9-2024.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/dau-thang-9-2024-se-cap-phep-khai-thac-cat-1017692/