Đấu thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam: Sẽ loại nhà đầu tư yếu kém
Các nhà đầu tư không có thương hiệu và tiềm lực tài chính sẽ bị loại bỏ ngay vì các quy định tại hồ sơ mời thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam.
Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo trong công tác đấu thầu 5 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính đồng thời cũng kỳ vọng phía ngân hàng cam kết huy động vốn tín dụng cho các dự án.
Tiến trình đấu thầu ra sao?
Dự kiến từ 18-20/9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt điều chỉnh hồ sơ mời thầu 5 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) sau khi cập nhật, điều chỉnh đơn giá, định mức đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí dự toán và tiến hành mở thầu từ ngày 2-5/10/2020.
Theo đó, 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo là những dự án đầu tiên triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Trong thời gian từ ngày 17-20/7/2020, các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải (bên mời thầu) đã phát hành hồ sơ mời thầu của 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức PPP. Đến nay đã có 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu (mỗi dự án đều có ít nhất có 2 nhà đầu tư đã mua hồ sơ). Theo quy định, nhà đầu tư có tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Ngày 6/8/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức gặp mặt, trao đổi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án. Các nhà đầu tư đã kiến nghị với Bộ, cũng như có văn bản gửi đến bên mời thầu (các Ban quản lý dự án) đề nghị xem xét cập nhật lại tổng dự toán theo mặt bằng giá tại thời điểm 28 ngày trước ngày đóng thầu, do giá nguyên, nhiên vật liệu, nhân công có biến động trong thời gian trước và sau đỉnh dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2020, trong đó điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn xác định chi phí đầu tư xây dựng; điều chỉnh bổ sung một số định mức xây dựng, định mức ca máy và thiết bị thi công...
Trên cơ sở tiếp thu kiến nghị của nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với mặt bằng giá thị trường trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và cập nhật các quy định mới của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 02/2020/TT-BXD, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương cập nhật, điều chỉnh tổng dự toán, đến nay đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán của cả 5 dự án, hiện đang khẩn trương cập nhật, điều chỉnh phương án tài chính và một số nội dung liên quan trong hồ sơ mời thầu, phát hành đến các nhà đầu tư và tiến hành mở thầu từ ngày 2-5/10/2020.
“Sau khi mở thầu, các Ban quản lý dự án phải nỗ lực tối đa để đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư, phê duyệt kết quả đấu thầu nhằm đảm bảo đúng thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo kế hoạch đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ trưởng Thể chỉ đạo các đơn vị phải báo cáo ngay để Bộ kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong kỳ họp sắp tới xem xét, quyết định.
Loại nhà đầu tư “tay không bắt giặc”
Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải), 5 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức PPP có rất nhiều điểm mới, khác biệt nhằm hạn chế tối đa rủi ro so với các dự án BOT giao thông từng triển khai trước đây. Đầu tiên là nguồn vốn góp của Nhà nước tham gia vào các dự án, bình quân chiếm khoảng 51% tổng mức đầu tư, dự án thấp nhất là 34% và nhiều nhất là 64%.
“Trong số 39.530 tỷ đồng tổng vốn đầu tư của 5 dự án, nguồn vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 20.136 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 3.879 tỷ đồng, còn lại phần vốn tín dụng chỉ còn khoảng 15.515 tỷ đồng. Đây là điều khác biệt so với các dự án BOT giao thông trước đây khi chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay ngân hàng,” ông Thành cho hay.
Mặt khác, các dự án cao tốc Bắc-Nam đều được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín, mức phí tính theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo công bằng tuyệt đối cho người sử dụng.
“Theo tính toán thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16-18 năm, không có dự án nào vượt quá 20 năm. Mức phí của các dự án đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức phí cho từng thời kỳ. Trong hồ sơ mời thầu cũng quy định rõ mức phí cụ thể cho từng từng kỳ và có bước nhảy giữa các thời kỳ. Nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn theo đúng khung giá đã cam kết trong hồ sơ mời thầu,” ông Thành nhấn mạnh.
Tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại về huy động vốn tín dụng đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đề nghị các ngân hàng thương mại đã cung cấp cam kết tín dụng cho các nhà đầu tư trong bước sơ tuyển tiếp tục cung cấp tín dụng ở bước đấu thầu, ký kết hợp đồng tín dụng sau khi nhà đầu tư được công bố trúng thầu.
“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngân hàng chỉ cung cấp cam kết tín dụng để nhà đầu tư làm đẹp hồ sơ mang đi đấu thầu nhưng khi nhà đầu tư trúng thầu ngân hàng lại không cho vay vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Ngay giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tham gia hỗ trợ ngay từ đầu để triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam đảm bảo minh bạch, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật,” Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Đặc biệt, trong hồ sơ mời thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rõ, kể từ khi ký hợp đồng dự án, nhà đầu tư có sáu tháng để huy động vốn tín dụng nhằm đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư mạnh, đủ năng lực tài chính về vốn chủ sở hữu và có uy tín để ngân hàng cho vay vốn tín dụng.
Quá thời hạn trên, nếu không huy động được, Bộ sẽ hủy hợp đồng đã ký và tịch thu bảo lãnh hợp đồng của nhà đầu tư. Số tiền bảo lãnh được tính bằng 1-3% giá trị hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu./.
Được biết, dự án cao tốc Bắc-Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.