Đấu thầu, đấu giá hay… đấu đá?
Những cuộc đấu giá theo cách nói của người trong cuộc là 'không ăn được thì đạp đổ' đã khiến cho thị trường bị méo mó. Ngân sách Nhà nước thực tế chỉ thu cao được ở... trên giấy, doanh nghiệp thì lâm vào cảnh đường cùng.
Hiện tượng đấu giá theo kiểu "không ăn được thì đạp đổ" đang làm méo mó thị trường đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa.
1. Mới đây, 2 mỏ cát tại An Giang được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 7,2 tỷ đồng nhưng được một doanh nghiệp bỏ giá lên tới 2.811 tỷ đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, có 19 doanh nghiệp tham gia đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mỏ cát này có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến: -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3. Như vậy, giá trúng đấu giá cao gấp hơn 390 lần so với giá khởi điểm. Đây có lẽ là một “kỷ lục” về số tiền chênh lệch kể từ khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 ra đời?
Vẫn biết cát đang trở thành mặt hàng khan hiếm ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trả giá tăng đến hơn 2.800 tỷ đồng so với giá khởi điểm để sở hữu 2 mỏ cát là một con số gây choáng váng với nhiều người. Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp khai thác cát, với trữ lượng được tính toán để định giá khởi điểm, doanh nghiệp trả giá cao gấp 390 lần là việc làm không tưởng, không có cơ sở để kinh doanh có lãi, thậm chí là lỗ nặng.
Tất nhiên, đây mới chỉ là mức giá cấp quyền khai thác, hiểu nôm na là phí “đứng chân”. Số tiền phải nộp của doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ phải tính toán cụ thể theo thực tế trữ lượng cát sau khi có kết quả thăm dò, đánh giá của cơ quan chức năng. Chính vì thế, dư luận cho rằng, doanh nghiệp này chỉ tham gia đấu giá để…"lấy số má". Ngay cả đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cũng bất ngờ với mức trả giá của T-S.HOME. Thông thường, nếu 2.811 tỷ đồng nếu thu được sẽ là một phi vụ “bom tấn” làm thay đổi cán cân ngân sách của một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng thực tế, ai cũng hiểu, không một doanh nghiệp nào lại bỏ ra mấy ngàn tỷ chỉ để “xí phần” tại 2 mỏ cát như thế. Nhiều khả năng, doanh nghiệp nói trên sẽ “bỏ của chạy lấy người”, tức chịu mất hơn 1 tỷ đồng tiền đặt cọc và bị hủy kết quả trúng đấu giá.
2. Năm 2019, tại thành phố Thanh Hóa, mặt bằng 3241 thuộc Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa sau 2 lần đấu giá và một cuộc bị “vỡ trận” mới tìm được chủ nhân. Giá trúng đấu giá đối với 375 lô đất, diện tích gần 58.000m2 là 1.215 tỷ đồng, tăng khoảng 778 tỷ đồng so với lần định giá khởi điểm đầu tiên. Đây được xem là cuộc đấu giá đất có trình tự và kết quả thuộc loại “vô tiền khoáng hậu” ở Thanh Hóa. Tiền đặt cọc mỗi hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá lên tới 66 tỷ đồng nhưng vẫn có tới 13 doanh nghiệp tham gia cuộc đua kéo dài từ 8h sáng đến 15h chiều, trải qua 30 vòng.
Ngay sau khi công bố kết quả trúng đấu giá, dư luận cho rằng, ngân sách Thanh Hóa đã… thắng lớn khi có thêm gần 800 tỷ so với lần định giá khởi điểm đầu tiên. Thế nhưng giới kinh doanh lại nghĩ khác, bởi với mức giá trúng đấu giá thời điểm đó (khoảng 21 triệu đồng/m2), doanh nghiệp sở hữu 375 lô đất trên không lỗ nặng mới là chuyện lạ.
Cuối cùng thì sau hơn 1 năm, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI trúng đấu giá số tiền 1.215 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Sự việc căng thẳng đến mức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phải ra “tối hậu thư” yêu cầu đơn vị trúng đấu giá phải nộp đủ tiền theo quy định vào ngân sách trước ngày 25/11/2020, nếu không sẽ hủy kết quả trúng đấu giá, tổ chức đấu giá lại; nhà đầu tư không được tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn Luật này, nếu đơn vị trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ bị hủy kết quả và mất số tiền đặt cọc. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hủy kết quả trúng đấu giá đối với những dự án lớn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc phạt tiền chậm nộp cũng rất khó thực hiện bởi doanh nghiệp sau khi “gồng mình” để trúng đấu giá đã cạn kiệt tài chính.
Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ các cuộc đấu thầu, đấu giá, cần phải có những quy định phù hợp hơn về năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia để hoạt động này có hiệu quả cho cả ngân sách nhà nước và nhà đầu tư. Ảnh: An ninh được thắt chặt tại một phiên đấu giá ở Thanh Hóa
3. Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản theo kiểu… bằng mọi giá. Kết quả trúng đấu giá không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường. Kết quả là doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan còn Nhà nước cũng không thể thu được gì cho ngân sách. Đất đai và các tài sản đấu giá khác vẫn ở trong tình trạng… bất động sản theo nghĩa đen.
Lý giải về nguồn cơn của hiện tượng trên, các chuyên gia cho rằng, thói quen dàn xếp, thông thầu, vây thầu trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá những năm trước đây đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của không ít nhà đầu tư. Mỗi khi có một công trình, dự án chuẩn bị được đưa ra đấu thầu, đấu giá, việc đầu tiên của các nhà đầu tư là mua thật nhiều hồ sơ, thậm chí làm giả hồ sơ năng lực tìm cách chen chân vào chờ… dàn xếp, chia chác lợi nhuận. Trong khi năng lực hạn chế, nhu cầu đầu tư kinh doanh không có thật. Kết quả trúng đấu thầu, đấu giá vì thế không chênh lệch là bao so với giá khởi điểm. Ngân sách Nhà nước bị thất thu do các đối tượng tự dàn xếp, giao dịch ngầm với nhau.
Nhiều nhà đầu tư, dù chưa trúng đấu giá nhưng đã tìm cách bán “vịt trời”, bán “lúa non” bằng hình thức góp vốn dẫn đến bằng mọi cách phải trúng đấu giá để… trả nợ cho khách hàng. Nắm bắt được điểm yếu của đối thủ, các nhà đầu tư khác đã “nhấn ga” khiến cho giá trúng đấu giá cao chót vót. Doanh nghiệp trúng đấu giá dù biết nhưng vì đã trót “đâm lao nên phải theo lao”.
Những cuộc đấu giá theo cách nói của người trong cuộc là “không ăn được thì đạp đổ” đã khiến cho thị trường bị méo mó. Ngân sách Nhà nước thực tế chỉ thu cao được ở trên giấy, doanh nghiệp thì lâm vào cảnh đường cùng. Để hoạt động đấu giá, đấu thầu diễn ra công khai, minh bạch, thực chất, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát trực tiếp, về lâu dài, cần có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Tùy theo tính chất, quy mô của tài sản để quy định mức tiền đặt cọc, tiền bán hồ sơ cho phù hợp. Qua đó hạn chế được các đối tượng tranh thầu, xí chỗ để kiếm chác lợi nhuận. Làm sao để thông qua hoạt động đấu giá, đấu thầu cả Nhà nước và nhà đầu tư đều phải có lợi, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-thau-dau-gia-hay-dau-da-post127685.html