Đấu thầu Dịch vụ vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM: Rón rén 'cai sữa' ngân sách
Việc vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP.HCM chủ yếu thông qua hình thức đặt hàng có trợ giá từ ngân sách. Song, phương thức đặt hàng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, nhất là thiếu tính cạnh tranh, cần tổ chức đấu thầu để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Thiếu cạnh tranh
Tính đến nay, TP.HCM có 136 tuyến xe buýt, chủ yếu thực hiện theo phương thức đặt hàng có trợ giá để doanh nghiệp thực hiện vận tải hành khách công cộng. Trong đó, 99 tuyến xe buýt có trợ giá được đặt hàng từ 12 công ty vận tải, số còn lại là xe buýt đưa đón học sinh có trợ giá cũng được đặt hàng.
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM mới đây, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) nhìn nhận, hình thức đặt hàng có một số ưu điểm như: với các xe buýt đầu tư phương tiện mới theo Đề án 1.680 (đầu tư 1.680 xe buýt mới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2014 - 2017), nhà đầu tư chỉ trả trước 30% giá trị xe, 70% còn lại hỗ trợ lãi vay ngân hàng, đặt hàng sẽ giúp doanh nghiệp vận tải ổn định hoạt động, có kinh phí để hoàn vốn và trả lãi vay; thời gian thủ tục rất nhanh khi cần điều chỉnh, mở mới ngay tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Song, phương thức đặt hàng lâu nay đã bộc lộ hạn chế, đó là chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác tham gia cung ứng dịch vụ, tạo cạnh tranh. Cùng với đó, thời gian thực hiện đặt hàng là 1 năm, trong khi thời gian khấu hao phương tiện áp dụng khi tính toán đơn giá đặt hàng là 10 năm, dẫn tới việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ hành khách chưa tốt.
Theo UBND TP.HCM, trung bình ngân sách Thành phố trợ giá cho hoạt động xe buýt lên tới 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng hiệu quả ra sao còn là vấn đề phải bàn.
Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự lòng lề đường, vỉa hè nửa đầu năm 2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thẳng thắn, việc trợ giá xe buýt với mục đích thúc đẩy người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, qua đó từng bước gỡ rối cho bài toán ùn tắc giao thông, nhưng mục đích này đã không đạt được. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, tính đến nay, khối lượng vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị.
Rón rén “cai sữa”
Theo Sở GTVT TP.HCM, hình thức đấu thầu sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có năng lực tham gia dịch vụ, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, thông qua việc đấu thầu sẽ góp phần giảm chi phí vận hành đối với các tuyến xe buýt, qua đó giảm được kinh phí trợ giá từ ngân sách.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu đấu thầu, với các tuyến xe buýt đã thực hiện đầu tư phương tiện theo Đề án 1.680 đang trong thời hạn trả vốn và lãi vay, nếu không trúng thầu thì doanh nghiệp sẽ “đứt bữa” khi không có nguồn tiền trả ngân hàng.
Chưa kể, doanh thu khi đấu thầu được xây dựng và dự báo quá trình thực hiện trong hợp đồng thầu tối đa là 5 năm. Song, trong quá trình triển khai, sẽ có nhiều biến động, ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp.
Sở GTVT đề xuất, trước mắt, đối với 57 tuyến xe buýt đã thực hiện đầu tư phương tiện và được hỗ trợ lãi vay theo Đề án 1.680 vẫn còn trong thời gian trả vốn và lãi vay thì tiếp tục thực hiện hình thức đặt hàng trong năm 2020 và các năm tiếp theo, cho đến hết thời gian hỗ trợ lãi vay.
Còn lại 4 tuyến xe buýt đã hết thời gian hỗ trợ vay theo Đề án 1.680 và 36 tuyến xe buýt khác chưa có kế hoạch thay thế xe cũ thì phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Các tuyến xe buýt dự kiến mở mới cũng phải thực hiện hình thức đấu thầu. Chỉ riêng xe buýt đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng có trợ giá, do đặc thù hiện chỉ có 1 nhà cung cấp đăng ký, nên tiếp tục hình thức đặt hàng trợ giá.
Các chuyên gia đánh giá, giải pháp trên tuy vẫn “rón rén”, nhưng phù hợp thực tế. Vấn đề còn lại là chính quyền TP.HCM có dám quyết liệt “cai sữa” các doanh nghiệp hay không.
Nếu như năm 2002, số tiền trợ giá cho buýt từ ngân sách TP.HCM khoảng 39 tỷ đồng, thì những năm sau đó tăng dần và đến năm 2012, số tiền trợ giá đạt kỷ lục, gần 1.300 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm, ngân sách TP.HCM trợ giá vé cho xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng.