Dầu thô Nga tiếp tục được bán vượt giá trần
Trong tháng 10, giá trung bình dầu Urals là 81,52 USD/thùng, cao hơn 35% so với mức trần 60 USD/thùng của G7 và châu Âu, theo Bộ Tài chính Nga.
Bộ Tài chính Nga cho biết, mức giá trung bình dầu Urals tháng trước thấp hơn dầu Brent 9,57 USD mỗi thùng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình bán ra của dầu Urals tháng trước đã tăng 15%. Vào tháng 10/2022, một thùng dầu loại này được giao dịch ở mức 70,62 USD.
Tuy nhiên, trong tháng 9, giá dầu Urals đã giảm gần 2%, thời điểm đạt mức 83,08 USD mỗi thùng. Trong 10 tháng đầu năm 2023, giá dầu hỗn hợp nổi tiếng của Moscow cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 61,84 USD mỗi thùng so với 79,57 USD mỗi thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xứ bạch dương bán ra nước ngoài 7,6 triệu thùng dầu các loại mỗi ngày vào tháng 9, thu về doanh thu lên 18,8 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.
Trong tháng 10, giá xuất khẩu dầu thô các loại trung bình của Nga đạt 81,80 USD mỗi thùng, thu hẹp mức chênh lệch so với dầu Brent còn 12,20 USD mỗi thùng, thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trong tháng 9. Hai nước đã giữ danh hiệu này kể từ đầu 2023, khi Moscow buộc phải chuyển hướng bán dầu sang châu Á do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo ước tính của công ty thông tin năng lượng Kpler trong tháng 11, Nga có thể sẽ tăng mạnh xuất khẩu dầu. Tính riêng đường biển, sản lượng có thể tăng khoảng 200.000 thùng so với tháng 10, đạt tới 3,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 5.
Theo dữ liệu của Nga, các nước EU và G7 phần lớn đã không thực thi được mức trần giá 60 USD mỗi thùng với xuất khẩu dầu bằng đường biển của nước này, có hiệu lực vào tháng 12/2022. Những hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 với việc xuất khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã ký một sắc lệnh, có hiệu lực từ ngày 1/2, đưa ra các biện pháp trả đũa với hành vi áp trần giá dầu Nga. Theo đó, nước này cấm cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các quốc gia áp dụng giá trần trong hợp đồng và cũng cấm giao hàng nếu hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến điều kiện này.
Lê Na (Theo RT)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tho-nga-tiep-tuc-duoc-ban-vuot-gia-tran-post270964.html