Đầu thú hành vi nhận hối lộ, Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn có được xem xét giảm án?
Luật sư cho rằng, trên thực tế, những người thực hiện hành vi tham nhũng là những người có hiểu biết sâu sắc về pháp luật, khi chưa bị phát hiện mà họ đầu thú là chuyện 'rất ít', nên cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc bị can tự ra đầu thú để áp dụng truy tố khung hình phạt phù hợp nhất.
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa khởi tố vụ án hình sự, đồng thời, ra quyết định khởi tố đối với ông Vi Đức Ninh (cựu Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn) về tội “Nhận hối lộ".
Cùng vụ án, các bị can Hồ Anh Khoa (nguyên cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an); Phan Văn Hiếu, Dương Ngọc Quý và Nguyễn Thị Nhung (cùng trú tại huyện Lục Ngạn) bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 16h15 ngày 14/8, tổ công tác Công an tỉnh Bắc Giang cùng Công an huyện Lục Ngạn kiểm tra hành chính quán Karaoke Diamond thuộc tổ dân phố Lê Duẩn, thị trấn Chũ. Tại đây, cảnh sát phát hiện tại phòng hát tầng 2 có 9 người nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Trong số này Đào Ngọc Sơn (37 tuổi) và Nguyễn Phạm Việt Nga (33 tuổi) bị tạm giữ hình sự.
Cơ quan chức năng cáo buộc, Quý, Hiếu và Nhung đã gặp gỡ gia đình Đào Ngọc Sơn, rồi nhờ Hồ Anh Khoa "chạy án". Khoa nhận lời và gặp nhờ ông Ninh giúp đỡ nhằm giảm nhẹ cho các bị can.
Ngày 25/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Ngạn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nga về tội “Tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy". Còn Sơn được trả tự do vì chưa đủ căn cứ. Phát hiện các dấu hiệu bất minh, Công an tỉnh Bắc Giang rút hồ sơ để điều tra, từ đó việc "chạy án" dần sáng tỏ. Ông Ninh ra đầu thú, người này bị tình nghi đã nhận 1 tỷ đồng.
Phân tích về vụ án, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) nêu quan điểm, đây chỉ là những thông tin ban đầu về hành vi “nhận hối lộ, môi giới hối lộ”, cơ quan điều tra cần làm rõ thêm hành vi "đưa hối lộ" để xử lý người đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, phải làm rõ ngoài các bị can nêu trên còn những cán bộ, cá nhân nào có liên quan.
Theo luật sư, cơ quan chức năng cần xác minh nhóm đối tượng tham gia công tác điều tra vụ án ma túy. Cụ thể ở đây là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn. Nếu có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, cơ quan chức năng cũng cần xem xét dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc dấu hiệu không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
Đối với tình tiết ông Vi Đức Ninh đầu thú, luật sư Cường nói đây được xem là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Song cơ quan điều tra nên làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc bị can tự ra đầu thú để áp dụng truy tố khung hình phạt phù hợp nhất.
"Trên thực tế, những người thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, có hiểu biết sâu sắc về pháp luật, hiểu biết hậu quả pháp lý mà mình gây ra. Khi chưa có cơ quan tổ chức nào phát hiện mà họ đầu thú, khai báo với cơ quan chức năng là chuyện 'rất ít'. Còn trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội, sau đó bị phát hiện, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ, biết là không thể chối cãi được thì mới nhận tội, nếu quá trình điều tra, những người này thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện giao nộp lại số tiền do phạm tội mà có thì được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự", luật sư Cường phân tích.
Ông Vi Đức Ninh từng có hơn 20 năm công tác trong ngành kiểm sát. Trước khi làm Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn, ông Ninh là Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Thế, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn.
Ông Vi Đức Ninh được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn kể từ ngày 1/6/2018 theo quyết định của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.