'Đau thương này sẽ làm chúng ta xích lại gần nhau hơn!'

Lễ khai giảng đặc biệt sáng nay đã khởi đầu cho một năm học đặc biệt, nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, trên hành trình vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, thầy trò cả nước không đơn độc mà đang nhận được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước theo kế hoạch bước vào năm học 2021-2022. Chưa bao giờ trong lịch sử, học sinh đón năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Hiện có đến 30 tỉnh, thành phố không tổ chức khai giảng trực tiếp, phải tổ chức khai giảng trực tuyến và triển khai năm học bằng dạy học online.

Khó khăn, thách thức với thầy và trò cả nước còn ở phía trước và không hề nhỏ. Đơn cử, theo khảo sát của Sở GD&ĐT tỉnh, đối với bậc THPT trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương thì 90% học sinh đáp ứng được việc học online, trong khi đó các bậc học còn lại chỉ đáp ứng khoảng hơn 70% .

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học tập trên internet là 75.000 em (chiếm khoảng 4% học sinh toàn TP). Trong đó, tiểu học nhiều nhất với 31.000 em; trung học cơ sở 22.000 em, trung học phổ thông 15.000 em.

Năm học 2021 - 2022 học sinh cả nước bước vào năm học mới với nhiều khó khăn, thử thách phía trước (ảnh TL).

TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương là những địa phương có điều kiện kinh tế, mặt bằng chung cao hơn cả nước còn nhiều em chưa đủ điều kiện học online như vậy thì những tỉnh thành khác chắc chắn còn gặp khó khăn gấp bội. Tại Nghệ An, tỉnh đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải học trực tuyến. Nhiều học sinh vùng sâu, miền núi bước vào học online trong tình trạng không máy tính, điện thoại, không internet. Việc triển khai dạy học online trở thành thách thức quá lớn.

Chưa kể, còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều em chưa có tiền để đi học đại học, nhiều em phút chốc mất cha, mất mẹ, bơ vơ ngay từ đầu năm học mới.

Bài phát biểu đầy tâm trạng của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, Trường Marie Curie trong lễ khai giảng năm học 2021 – 2020 đã phản ảnh rất thật nỗi lòng chung của thầy cô cả nước: “Tâm trạng của tôi bấy lâu nay không được ổn, có thể mọi người cũng như vậy. Bốn tháng ăn không ngon. Bốn tháng ngủ không yên. Bốn tháng áo không muốn thay. Bốn tháng râu không muốn cạo… Thèm nghe tiếng trống trường. Thèm xem học trò chơi bóng. Thèm nghe tiếng mời cơm của các con tiểu học. Thèm tiễn các con lên xe mỗi khi tan trường…”.

Tuy nhiên, như truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người việt, trong khó khăn, truyền thống hiếu học, lá lành đùm lá rách lại một lần nữa được khơi dậy. Thầy cô cả nước, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, người dân đã có nhiều sáng kiến hay để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên gặp khó khăn được đến trường. Tại Hà Tĩnh, ngày trong dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất thành lập Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học và sẽ triển khai hoạt động ngay năm học 2021 - 2022.

Trong đại dịch mấy năm qua, chúng ta biết đến ATM gạo, ATM oxy, siêu thị 0 đồng... năm nay ghi nhận thêm sáng kiến "siêu thị máy tính 0 đồng" hay "ATM máy tính" hỗ trợ các em học sinh nghèo học online. Phong trào khởi nguồn từ TP. Hồ Chí Minh - nơi dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất- và giờ đây đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước.

Bản thân các nhà trường, trong muôn vàn khó khăn bởi dịch bệnh, đều đang nỗ lực không chỉ hoàn thành nhiệm vụ năm học. Toàn ngành giáo dục đã hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021-2022: Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. “Tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các nhà giáo, công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành sẽ cùng nhau đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nỗ lực ấy của thầy, của cô, của trò, của nhà trường trên khắp mọi miền đất nước và đặc biệt là truyền thống hiếu học của người Việt- như Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trong lá thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới 2021-2022: “Lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến”.

Tất cả giúp chúng ta tin rằng, mọi điều tốt đẹp sẽ vẫn đón đợi ở phía trước.

Một năm học mới đã đến, hơn 23 triệu học sinh bước vào năm học với bộn bề khó khăn, thử thách nhưng tất cả đang sát cánh cùng nhau, chia sẻ yêu thương, vượt lên nghịch cảnh để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”.

Quyết tâm của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie có lẽ cũng là quyết tâm cao nhất của hết thảy thầy trò lúc này: "Đau thương này không làm chúng ta chùn bước. Đau thương này sẽ làm chúng ta xích lại gần nhau hơn... Hy vọng một ngày không xa, các con được đi học, người lớn được đi làm, cuộc sống trở lại bình thường, sinh động và đầy yêu thương như vốn có"...

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-thuong-nay-se-lam-chung-ta-xich-lai-gan-nhau-hon-post154263.html