Dấu tích còn lại của Vạn Lại - Yên Trường
VHĐS - Vạn Lại - Yên Trường là kinh đô của nhà Lê Trung Hưng, nằm trên địa bàn 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay. Trải qua biết bao nắng núi, mưa ngàn và những thăng trầm lịch sử, Vạn Lại - Yên Trường chỉ còn lại ít ỏi dấu tích.
Theo sử sách ghi lại, xã Xuân Châu, Thọ Minh (nay là xã Thuận Minh) và Thọ Lập thuộc vùng đất Vạn Lại - Yên Trường - nơi nhà Lê Trung Hưng lựa chọn để xây dựng Kinh đô, khôi phục triều Lê. Năm 1546, với con mắt của nhà chiến lược quân sự, Thái sư Trịnh Kiểm tìm đến sách Vạn Lại để lập hành điện. Năm 1553, cho rằng đất Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế chật hẹp nên Trịnh Kiểm cho dời hành điện đến vùng đất Yên Trường.
Trong khoảng 50 năm thời Nam - Bắc triều, Vạn Lại - Yên Trường thực sự đóng vai trò là kinh đô của nhà Lê Trung Hưng. Do vị trí và tính chất là kinh đô của một Vương triều thời đầu nhà Lê Trung Hưng, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được xây dựng đầy đủ của một kinh đô như cung đình, đàn tế Nam Giao, trường thi, phố xá, quán hàng... Trải qua bao thăm trầm, di tích Vạn Lại (nằm trên đồi ông đá thuộc xã Thuận Minh) chỉ còn nền móng cung điện với hai cặp voi và ngựa đá được chế tác từ đá xanh nguyên khối và những mảnh vỡ từ gạch, ngói.
Cách đó không xa là Giếng mắt rồng thuộc di tích Vạn Lại nằm trên địa bàn thuộc thôn 7, xã Thuận Minh.
Vị trí được xác định là Đàn tế Nam Giao nằm trong vườn gia đình bà Hoàng Thị Viết, thôn 3, xã Thuận Minh. Theo bà Viết, vườn gia đình bà là khu đất cao, có rất nhiều mảnh vỡ của gạch, ngói, đồ gốm sứ.
Cách nhà bà Hoàng Thị Viết không xa là con đường dẫn xuống Giếng ẩm thuộc di tích Vạn Lại.
Tại di tích Vạn Lại, chính quyền địa phương đã thu được một số hiện vật thuộc kiến trúc kinh đô Vạn Lại xưa, hiện nay đang được bảo quản tại UBND xã Thuận Minh. Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thuận Minh rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện khôi phục lại quy mô, kiến trúc di tích Vạn Lại - Yên Trường xưa để kết nối với Khu di tích lịch sử Lam Kinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyên Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Tại xã Thọ Lập, chúng tôi được anh Quý - công chức văn hóa xã đưa đến thăm gia đình bác Trần Đình Thành, thôn 2 (Yên Trường) - nơi còn dấu vết của kinh đô xưa. Hiện tại, trong khuôn viên gia đình bác Thành có một ông phỗng bị cụt đầu, tư thế quỳ. Bác Thành cho biết, trước kia vườn nhà bác có rất nhiều ông phỗng bằng đá. Khi làm nhà, gia đình bác đã đưa một số ông phỗng xuống giếng và lấp lại. Chính quyền địa phương và gia đình mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn để sớm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa di tích Vạn Lại - Yên Trường.
Vào tháng 1-2021, Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa (Sở VH,TT&DL) phối hợp với huyện Thọ Xuân cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã khảo sát, điền dã khu di tích Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, qua đó các đơn vị và các nhà nghiên cứu, quản lý đã đề xuất cần có một cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học nhằm làm rõ thêm về vai trò, quy mô, kiến trúc của Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường xưa, để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức hội thảo khoa học Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.