Dấu tích Covid-19 và nguy cơ dịch bệnh bùng phát với biến chủng mới tại TP.HCM

Gần 4 năm sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nhiều bệnh viện dã chiến tại TP.HCM đã quay trở lại với công năng ban đầu nhưng nhiều nơi vẫn còn nguyên dấu tích, thậm chí đang bị bỏ hoang.

Ngày 26/5, theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, một số điểm từng là bệnh viện dã chiến Covid-19 như Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM... nơi từng tập trung và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nay đã quay trở lại hoạt động bình thường, không còn dấu vết của những ngày căng thẳng.

Tổ hợp bệnh viện dã chiến số 3, 6, 7, 8, 9, 11, 12 tại khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của đại dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tổ hợp bệnh viện dã chiến số 3, 6, 7, 8, 9, 11, 12 tại khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của đại dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tuy nhiên, nhiều địa điểm khác từng là pháo đài chống dịch nay vẫn còn dấu tích, thậm chí bị bỏ hoang, gây lãng phí và ám ảnh.

Điển hình là khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), từng là bệnh viện dã chiến số 4. Khu này, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010, hiện có 22 block chung cư bỏ trống, không người ở, trở nên cũ kỹ, hư hỏng và bị ví như "chung cư ma". UBND TP.HCM đang đề xuất chuyển đổi công năng khu này thành nhà ở xã hội để bán, hy vọng sẽ hồi sinh không gian này.

Tương tự, khu tái định cư Thủ Thiêm (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức), nơi này cũng mang dấu vết lịch sử của đại dịch. Nơi đây từng là tổ hợp bệnh viện dã chiến lớn, hoạt động hết công suất. Thế nhưng, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, khu vực này lại trở về cảnh hoang tàn, không một bóng người ở.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B từng là nơi đặt làm bệnh viện dã chiến trong đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B từng là nơi đặt làm bệnh viện dã chiến trong đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù các tòa nhà khang trang, rộng rãi, nằm ở vị trí đắc địa, nhiều năm qua vẫn bỏ trống và xuống cấp. Trong các khu vực từng là nơi điều trị bệnh nhân, nhiều vật dụng như nệm và các trang thiết bị y tế khác vẫn còn bị bỏ lại, gợi nhớ về một giai đoạn đầy khó khăn. TP.HCM cũng đang xem xét chuyển đổi gần 4.000 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm sang nhà ở thương mại và đấu giá trong thời gian tới.

Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 18/5, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận số ca Covid-19 trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng trong 4 tuần gần nhất.

Trung bình, thành phố ghi nhận 11 ca Covid-19/tuần, tăng mạnh so với 15 tuần đầu năm (1-2 ca/tuần). Riêng tuần 20 (từ 12/5 đến 18/5), toàn thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (10 ca/tuần).

Dịch Covid-19 tại TP.HCM nóng trở lại với biến chủng NB.1.8.1. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dịch Covid-19 tại TP.HCM nóng trở lại với biến chủng NB.1.8.1. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM đã có 79 ca bệnh Covid-19, thấp hơn 75,5% so với cùng kỳ của năm 2024. Trong đó, 43 ca điều trị nội trú và 36 ca điều trị ngoại trú, không có trường hợp bệnh nặng cần phải hỗ trợ hô hấp.

Được biết, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gen của một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng Covid-19 nhập viện trong tuần thứ ba của tháng 5. Kết quả cho thấy 83% mẫu giải trình tự gen là NB.1.8.1 - một biến thể phụ của XDV.1, được hình thành từ sự tái tổ hợp giữa JN.1 và XDE.

Tính đến ngày 22/5, biến chủng NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng nào trong 3 nhóm nguy cơ (VUM - biến chủng cần được theo dõi, VOI - biến chủng cần quan tâm và VOC - biến chủng quan ngại), và chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn so với các chủng trước đây.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị chuẩn bị trước nguy cơ Covid-19 tái bùng phát. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị chuẩn bị trước nguy cơ Covid-19 tái bùng phát. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại TP.HCM trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chia sẻ, mặc dù biến thể mới thuộc nhóm nguy cơ thấp, cần theo dõi nhưng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại nhiều nước, ngành y tế TP.HCM đã nâng cao cảnh giác và đã đưa ra nhiều chỉ đạo để chủ động ứng phó khi dịch bệnh có khả năng bùng phát trở lại.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu HCDC làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tăng cường giám sát tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM cũng như trên phạm vi toàn cầu. Các cơ sở y tế trên địa bàn được chỉ đạo nâng cao công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn các phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 và đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, thuốc men, trang thiết bị và vật tư y tế cũng được yêu cầu khẩn trương rà soát.

Các bệnh viện cần đảm bảo hạn chế tối đa lây nhiễm, bảo vệ an toàn cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao. Các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và bắt buộc với tất cả người ra vào, đảm bảo vệ sinh tay đúng quy định, củng cố đội ngũ chuyên môn thông qua các buổi tập huấn về phòng và điều trị Covid-19.

Sở Y tế cũng yêu cầu tăng cường hợp tác giữa HCDC với các đơn vị chuyên môn như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để giám sát chặt chẽ các biến chủng mới có nguy cơ xuất hiện.

Đặc biệt, các bệnh viện được yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch thu dung và điều trị; tổ chức đào tạo lại cho nhân viên y tế về quy trình chẩn đoán, điều trị cũng như các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn rủi ro tái bùng phát.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dau-tich-covid-19-va-nguy-co-dich-benh-bung-phat-voi-bien-chung-moi-tai-tphcm-192250526155840155.htm