Dấu tích huyền thoại 'Cây chu đá, lá chu đồng'
Nếu như người Kinh coi 'Thần cây đa, ma cây gạo' là gốc rễ, cội nguồn, đi đâu xa cũng thoảng nhớ về, thì người Mường xưa có một bóng chu đồng để tựa vào đó thắp lên muôn ngàn mơ ước.
Tảng đá dấu tích gốc cây chu đá trên núi Lai Li Lai Láng. Ảnh: Lê Quân
Cố Giáo sư, Tiến sĩ Ðông phương học Niculin đã từng nói về cái gốc của “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc” trong Sử thi Mo Mường “Ðẻ đất đẻ nước”, rằng: “Núi không bao giờ câm lặng”, núi có cuộc đời, núi có hơi thở, núi có kho tàng trên nghĩa báu vật, núi có mặt trên thế gian này như một chứng nhân vĩ đại. Cái núi Lai Li Lai Láng ở tận Mường Ống Việt Nam xứng đáng là núi Thần, núi Mẹ. Núi đồi biết hóa thân đẻ ra cái gốc của một sử thi Mường Việt...
“Cây chu đá, lá chu đồng” trong sử thi
Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” kể, anh em nhà lang Cun Cần, lang Cun Khương bấy giờ làm “vua kẻ Sang, lang kẻ Chợ”, giàu có, thịnh vượng. Một hôm, gặp đàn kiến. Chúng chê nhà lang muôn đời chẳng bao giờ giàu bằng chúng, không thể biết tới cây chu đồng, cội nguồn của sự giàu sang. Anh em nhà lang lập tức sai người trong các Mường bản đi tìm kiếm, mãi mà không biết cây ở đâu. Rồi họ phát hiện, trong Mường có tay thợ săn nghèo đói là Tặm Tạch bỗng dưng giàu có hơn gấp bội. Anh em lang gọi Tặm Tạch đến định đánh cho một trận, bắt khai ra nguyên cớ nào mà giàu hơn cả lang. Sau nghĩ lại, lang chuốc rượu cho thật say, khiến Tặm Tạch kể hết các bí mật mà chàng đã thề phải giữ kín. Trong lần đi săn, chàng tình cờ được các loài muông thú giúp đỡ mà tìm thấy cây chu ở đồi Lai Li Lai Láng của Mường Ống, chỉ đem về hai quả chu mà giàu có vậy.
Hôm sau, nhà lang tập hợp dân các Mường, sai Tặm Tạch dẫn đường đi tìm cây chu. Trót có lời hứa không để lộ bí mật, nên nhà cửa Tặm Tạch bỗng lại nghèo xơ xác, nhưng vẫn đành ngậm ngùi dẫn lang đi. Đó là một cuộc viễn chinh hoành tráng vượt qua biết bao sông, núi trùng điệp để tới đồi Lai Li Lai Láng. Thấy cây chu, anh em nhà lang lại muốn dân Mường chặt cả cây đem về cho mình, để không ai có thể giàu sang hơn họ được nữa. Dùng lưỡi rìu to bằng tấm ván thuyền mà chặt, nhưng chặt mãi mà cây không đổ, vết chặt hôm sau tự nhiên lành lại. Sau, phải lấy máu của Tặm Tạch bôi vào rìu thì mới chặt được. Cây đổ nằm không nhúc nhích, phải lấy xương của Tặm Tạch làm đòn bẩy, kê làm đà trượt để vận chuyển cây ra sông Mã. Hành trình chuyển cây chu xuôi sông Mã về Đồng Chì tam quan kẻ Chợ cũng kỳ vĩ không kém, với rất nhiều gian khổ, hy sinh. Có cây chu, nhà lang trở nên giàu có. Họ dùng cây chu dựng nên nhà lang, biểu tượng cho sự phồn thịnh cực đỉnh của bản Mường...
Trong cuốn “Mo – Sử thi và thần thoại của dân tộc Mường” do ông Vương Anh chủ biên, GS. Phan Đăng Nhật, chuyên gia về văn hóa Mường, cho rằng: “Hình tượng cây chu đồng đánh dấu sự ra đời của kim loại, sự xuất hiện giai cấp và cùng với nó là những bi kịch xã hội”.
Nhà thơ Cao Sơn Hải, một chuyên gia về văn hóa Mường, có cái nhìn trực diện hơn về cây chu đá. Theo ông, “cây chu đá, lá chu đồng” hay “cây chu đồng” cần phải hiểu về mặt ngôn ngữ học, rằng “chu” là to lớn, chủ, chúa; “đá/tà/đà” là già cả, lâu đời, tôn trọng; “đồng” là chỉ chất liệu kim loại. Như vậy, theo tiếng Mường nghĩa là “Cây chúa tể của đồng”.
“Hình tượng cây chu đá, lá chu đồng là biểu trưng của công cụ kim loại đồng do con người mới phát hiện ra. Đó là tiếng reo vui hồn nhiên sảng khoái, sự ngưỡng mộ tôn sùng của con người khi có một khí cụ mới. Một khí cụ mà ai có nó cũng trở nên khác trước đến ngạc nhiên, sự thay đổi cuộc đời đến kỳ lạ và mầu nhiệm. Vai trò của đồng đã đưa con người từ mông muội sang văn minh. Do có công cụ sản xuất mới con người đã thay đổi chính mình bởi năng suất lao động, bởi hiệu quả của công cụ sản xuất. Từ đồ đá đến đồ đồng là một bước tiến hết sức quan trọng và rất cơ bản của lịch sử loài người” - ông Cao Sơn Hải nhấn mạnh.
Đi tìm dấu tích cây chu đồng
Một ngày đầu mùa thu, chúng tôi tìm về ngọn đồi Lai Li Lai Láng (Bá Thước), bên dòng sông Mã để tìm huyền tích của “cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”. Vượt qua những con đường núi dốc, uốn lượn, Bá Thước hiện ra trước mắt tôi với vẻ đẹp đầy sức quyến rũ. Bá Thước mùa này thanh bình đến thơ mộng, từng vạt đồi được phủ một màu xanh ngát bởi những rừng cây. Xa xa, những ngôi nhà mái ngói mọc lên san sát bên cánh đồng lúa xanh rười rượi đang kỳ trổ bông.
Chúng tôi theo chân ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước đi một vòng hệ thống núi đồi nằm dọc theo bờ sông Mã, từ cầu Na Sài (Quan Hóa) xuống đến làng Cha, xã Thiết Kế (Bá Thước), dài khoảng hơn 10 km, gọi chung là ngọn đồi Lai Li Lai Láng (chỉ sự rộng lớn - theo tiếng địa phương). Đi cùng chúng tôi còn có ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái – Mường ở Bá Thước.
Ông Hà Nam Ninh sinh ra và lớn lên tại bản Hiềng, nằm trên một bình nguyên giữa lưng chừng đồi Lai Li Lai Láng. Theo lời ông Ninh, từ thời xa xưa, bản Hiềng từng tồn tại những tên gọi liên quan đến quá trình khai thác kim loại quý, đặc biệt là vàng. Đối diện với bản, bên kia suối là một sống đất chân đồi Lai Li Lai Láng, có tên gọi là Hu Khăm, nghĩa là hố vàng. Cánh đồng trước bản có thửa ruộng rộng tên là Hàng Khăm, nghĩa là nấu vàng - cô vàng. Gò đất bên cạnh, cao hơn mặt ruộng khoảng 1m, bằng phẳng, có tên gọi là Đon Cơm, nghĩa là gò nấu cơm (theo tiếng Mường Việt). Dải gò cách đó hơn 50m có tên là Đon Mặn, tương truyền là chợ bán thứ có vị mặn, tức là muối. Đặc biệt, có một khu đất gọi là Hới Hi (nơi chứa gái điếm) dành cho dân tứ xứ. Nghĩa là vùng đất này vốn là một bãi khai thác vàng xa xưa, từng tập trung rất đông người và hoạt động trong một thời gian dài. Mà người đến khai thác là người nói tiếng Việt Mường. Sau đó người Tàu có đến thăm dò và cho lấp mỏ nước Tá Luông, đổ nhiều lưỡi câu bằng đồng lẫn vào đất, trồng tre chận lên, nói là yểm bùa, trừ tà, nhưng thực ra là muốn dò xem mạch nước thông lên những nơi nào để tìm mạch vàng. Đã có một số lần các toán giặc cướp từ bên Hán, Hó sang dò tìm mỏ nước, nhưng bị dân mường đánh đuổi, phải bỏ chạy. Cách đây mấy chục năm, đã có thời kỳ hàng nghìn người kéo đến khai thác vàng ồ ạt, có nguy cơ tàn phá đồng ruộng, khe suối và gây mất trật tự trị an, chính quyền và nhân đân địa phương đã quyết tâm bảo vệ, chấm dứt việc đào bới tìm vàng. Trong khi đào bới đất đá, đã có người phát hiện được rìu đá, cuốc đá, chứng tỏ vùng này có người nguyên thủy sinh sống từ xưa.
Một khu vực phía Bắc chân đồi Lai Li Lai Láng, giáp làng Cha và làng Luồng, xã Thiết Kế có tên là Bó Khang, có nghĩa là mỏ gang (mỏ sắt). Trước đây thực dân Pháp đã từng khai thác, sau đó Nhật cũng đã đào thăm dò. Nhưng do đường sá vận chuyển khó khăn, nên chưa thành công trường. Điều đó càng khẳng định: Trong quá khứ, người ta đã từng phát hiện và khai thác kim loại trên núi Lai Li Lai Láng. Hình tượng cây chu thân bằng đá, lá bằng đồng, bông thau, quả thiếc, không phải là cây thực vật, mà là cây kim loại.
Bàn về tên gọi cây chu đá và đồi Lai Li Lai Láng, ông Ninh có ý kiến: “Chu có nghĩa là Chu Chương Mường Nước, là thần tượng về quyền lực và sự thịnh vượng. Làng Cha dưới chân núi Lai Li Lai Láng trước đây tên là làng Chu, nay còn Vụng Chu, nơi cây chu lao theo dốc từ trên núi đâm đầu xuống đất. Trước đây, làng Chu là trung tâm của Mường Ống cổ xưa. Cách đây khoảng hai, ba trăm năm, khi có miếu thờ (nhà xần) Cha thì làng Chu mới đổi tên thành làng Cha. Trong lời mo, các ông ậu đọc là “cân chu tà”. Từ “tà”, tiếng Mường cổ có nghĩa là lớn, là gốc, là tổ tiên (gần giống như từ “cả” trong tiếng Việt cổ). Cây chu tà còn có thể hiểu là cây cội nguồn góp phần hình thành Chu Chương Mường Nước. Tuy nhiên, cây huyền thoại này cần phải gắn với hình ảnh sự tích thì mới có sức thuyết phục cao. Do vậy, từ khi nào không rõ, người ta chỉ vào một khối đá nhô cao trên sống núi Lai Li Lai Láng, mặt trên bằng phẳng là gốc cây chu đá còn trơ lại. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ XV), khi vua Lê Lợi hành quân qua vùng này, nghe nói có cây thiêng đã lên đây cầu khấn và vô tình, đứng ở trên cao đã quan sát bốn phương, nắm vững địa hình và thấy được động tĩnh của giặc Minh đang đóng đồn Quan Da. Nhờ đó mà Vua Lê đã thắng lớn trong trận đánh Quan Da, năm 1422. Về sau, triều đình nhà Lê ủng hộ, nhân dân vùng này đã dựng lên đền thờ vua gần gốc cây chu đá để thờ cúng vua Lê Thái tổ. Từ đó trở đi, núi Lai Li Lai Láng, người Thái gọi là Pù Đền (núi Đền). Người Mường thì vẫn gọi là núi Lai Láng”.
Được biết, khi còn là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà thơ Vương Anh, người có công sưu tầm và biên dịch pho sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước” từng lập sa bàn khu vực đồi Lai Li Lai Láng, xây dựng kế hoạch mở tuyến du lịch văn hóa theo các địa danh “Đẻ đất đẻ nước” kết hợp ở Thanh Hóa và Hòa Bình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do kế hoạch này vẫn chưa triển khai rộng rãi.
Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, việc chọn lọc giới thiệu các tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em, của đất nước Việt Nam ra thế giới đã và đang là mục tiêu rộng mở. Nên chăng việc tạo dựng vùng văn hóa du lịch “Ðẻ đất đẻ nước” từ đồi Lai Li Lai Láng... nên sớm được thực hiện.