Những vương triều phong kiến Việt Nam đã khép lại sau tấm màn thời gian. Thế nhưng, lớp người sau vẫn có nhiều cách để tìm về những thiên sử hào hùng. Những hiện vật còn sót lại qua năm tháng là dấu tích rõ ràng nhất cho từng giai đoạn lịch sử dân tộc.
Trong tâm thức người Việt Nam, từ xa xưa hình tượng rồng luôn đại diện cho những điều linh thiêng cao quý, là linh vật đứng đầu tứ linh "Long-Ly-Quy-Phụng". Rồng trở thành biểu tượng của nguồn cội, của văn hóa, tâm linh đặc sắc.
Hình tượng rồng xuất hiện từ thời dựng nước với huyền sử Lạc Long Quân - Âu Cơ, từ đó, rồng hiện hữu dọc theo tiến trình lịch sử Việt Nam với nhiều biểu trưng cao quý, cấu trúc hình dáng đặc sắc. Kinh đô Thăng Long dưới các thời kỳ quân chủ là một trung tâm lưu giữ, sáng tạo các huyền tích và hình tượng rồng.
RỒNG THỜI LÝ (1010 - 1225)
Rồng thời Lý trên một hiện vật không còn nguyên vẹn phát hiện tại Hoàng Thành Thăng Long có thân tròn lẳn, khá dài, không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, khá thanh thoát.
Đầu ngói ống trang trí hình rồng bằng đất nung thời Lý thế kỷ XI-XII. Thân rồng thời Lý dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái. Bụng là đốt ngắn, có bốn chân, có loại có 3 móng vuốt và loại có 5 móng vuốt.
Rồng thời Lý trên một thành bậc bằng đá, có hình dáng ngẩng cao đầu, miệng há to, mép trên miệng không có mũi và được kéo dài ra như một chiếc vòi với độ mềm mại uốn lượn, vươn cao.
Rồng thời Lý thể hiện sự nhẹ nhàng, mỏng manh, giống như đang uốn lượn trong mây, thích hợp với các lễ cầu mưa.
RỒNG THỜI TRẦN (1226 - 1400)
Rồng thời Trần trên những bát cổ phát hiện tại Hoàng Thành Thăng Long vẫn giữ dáng dấp như thời Lý. Miệng rồng há to, bên trong ngậm viên ngọc lớn. Lưỡi rồng uốn cong và nâng đỡ môi trên.
Rồng thời Trần trên một chi tiết mái kiến trúc cung điện tại Hoàng Thành Thăng Long. Rồng giai đoạn này có cặp răng nanh rồng khá lớn, từ hàm trên vắt lên mào lửa. Tuy nhiên, vẩy lưng rồng thời Trần không tựa đầu vào nhau, có khi lại có dạng hình răng cưa lớn chia thành hai tầng. Rồng thời Trần có sự xuất hiện cặp sừng và đôi tay.
Nhìn chung, so với rồng thời Lý, tạo hình của rồng thời Trần có phần phóng khoáng hơn do không còn bị ràng buộc bởi những quy định khắt khe. Có lẽ bởi thế mà Rồng thời Trần mang nét mạnh mẽ hơn, thân hình to và khỏe khoắn.
RỒNG THỜI LÊ SƠ - HẬU LÊ (1428 - 1527)
Chiếc bát ngự dụng dành riêng cho vua thời Lê Sơ có độ hoàn thiện tinh xảo đến mức đỉnh cao. Thời Lê Sơ, hình tượng rồng có sự thay đổi hẳn, đầu to, sừng có chạc, vây và lông gáy tua tủa, vẩy to và chân xòe năm ngón, móng quặp lại trông rất dữ tợn, thể hiện uy quyền và sự nghiêm ngặt của nhà vua.
Trang trí hình rồng trên bộ gốm sứ ngự dụng thời Lê sơ.
Bảo vật quốc gia - thềm rồng điện Kính Thiên có từ thời Lê Sơ.
Du khách chụp ảnh hình đầu rồng thời Lê Sơ tại Hoàng Thành Thăng Long. Đây là một trong những hiện vật rồng quan trọng nhất tại khu di tích này, phản ánh lịch sử hình tượng rồng có lịch sử lâu đời tại Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Qua mỗi thời kỳ, hình tượng rồng đều có đặc điểm sáng tạo khác nhau nhưng luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc.
Quách Sơn