Đầu tiên có phải tiền đâu?
Một trong những khó khăn luôn hiện hữu và chi phối hoạt động lĩnh vực VFX (hiệu ứng hình ảnh) tại Việt Nam được nhắc đến là bài toán kinh phí. Nhưng, tiền có quyết định tất cả?
Tại hội thảo Vietnam - France VFX Conference 2024 vừa được tổ chức tại TPHCM, anh Thierry Nguyễn - đồng sáng lập Bad Clay Studio, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh & Hoạt hình Việt Nam (VAVA) đưa ra một ví dụ: bộ phim Mỹ Cocaine Bear kinh phí 30 triệu USD, có 468 cảnh quay sử dụng công nghệ CGI (Computer Generated Imagery - công nghệ mô phỏng hình ảnh được tạo ra bởi máy tính). Trong khi đó, Móng vuốt, bộ phim có cùng chủ đề của Việt Nam, có kinh phí thấp hơn nhiều lần nhưng chất lượng kỹ xảo lại đạt tới gần 80%. Dù không thành công về doanh thu phòng vé, song không thể phủ nhận hình ảnh Gấu mật trong phim đã để lại ấn tượng tốt với khán giả.
Từ dẫn chứng nói trên, vấn đề muôn thuở tiếp tục được đặt ra giữa bài toán kinh phí và chất lượng cho khâu kỹ xảo. Lâu nay, đội ngũ những người làm trong ngành kỹ xảo Việt tự tin có thể đáp ứng yêu cầu rất cao, chuẩn quốc tế. Và thực tế một bộ phận không nhỏ đã đứng sau những bom tấn đình đám ở Hollywood. Nhưng trớ trêu thay, kỹ xảo nhiều phim Việt vẫn bị chê là dở tệ, thậm chí ngây ngô. Và, nguyên nhân đầu tiên luôn được đề cập: tiền đâu?
Trên nhiều phương diện, quan điểm cho rằng không thể đòi hỏi sản phẩm tốt hay năng lực cao mà không có sự đầu tư về tài chính hoàn toàn hợp lý. Trong câu chuyện này, theo các chuyên gia trong ngành có một vấn đề quan trọng cần được giải quyết trước tiên: đó là cân bằng giữa mong đợi từ khách hàng và thích ứng với các điều kiện thực tế. Việc tìm tiếng nói chung giữa các đoàn phim với đội ngũ VFX từ giai đoạn tiền sản xuất đặc biệt cần thiết để giải bài toán nói trên. Hiện nay, với số lượng các studios ở lĩnh vực VFX, bao gồm cả các đơn vị nước ngoài ngày càng đông đảo, bản thân các đoàn phim cũng có nhiều hơn những sự lựa chọn, thậm chí cho từng công đoạn khác nhau để tối ưu hóa chi phí mà kết quả vẫn chấp nhận được.
Khó khăn về kinh phí sẽ vẫn luôn ở đó, không chỉ với thị trường Việt Nam. Do đó, việc cùng hợp tác, mở rộng mạng lưới là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường. Hiển nhiên, sự so sánh giữa hai trường hợp của Móng vuốt và Cocaine Bear chỉ mang tính tương đối do có quá nhiều khác biệt. Trong đó, kinh phí sản xuất phim nói chung và kinh phí dành cho khâu kỹ xảo nói riêng còn phải xét đến yếu tố thị trường, giá cả ở mỗi quốc gia. Móng vuốt đã được làm tốt xét riêng về mặt kỹ xảo với ngân sách còn nhiều hạn chế, có thể xem là một ví dụ tham khảo cho các nhà sản xuất phim Việt. Ai cũng hiểu với bất kỳ bộ phim nào, nếu kỹ xảo tốt cộng với câu chuyện chạm đến khán giả, không có lý do gì để bộ phim không thành công và gây dấu ấn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-tien-co-phai-tien-dau-post746117.html