Đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, những ngày này, thị trường ở cả thành thị và nông thôn đã trở nên nhộn nhịp, sôi động. Khắp nơi tràn ngập hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Để ngăn chặn các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong những ngày này được tăng cường với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vị phạm.
Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra máy tạo oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trong lúc mọi người, mọi nhà đang tất bật sắm Tết thì lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh lại căng mình giữ gìn trật tự, lành mạnh thị trường. Từ đầu tháng 12.2021, theo kế hoạch đã ban hành, lực lượng QLTT đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thị trường dịp Tết Nguyên đán ổn định để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân cũng như bảo vệ nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Thời gian vừa qua, tình hình vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra rất phức tạp, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và sự phát triển của mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc bán hàng qua nền tảng mạng internet nhằm trốn thuế và bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. Vì mục tiêu lợi nhuận nên việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, loại hàng hóa. Mặt hàng nào có thương hiệu, có uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng thì cũng có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ việc: Ngày 18.11.2021, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Công an huyện Yên Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa Thành Chuyên, tại thôn Hoan Ái, xã Tân Việt (Yên Mỹ), do ông Thành (sinh năm 1979) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang bày bán 450 đôi tất đeo chân có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, ông Trần Ngọc Thành không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ngày 24.11.2021 Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Đội 3, Phòng cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng đồ điện gia dụng của bà Đỗ Thị Thu Huyền ở thôn Vân Trì, xã Dân Tiến (Khoái Châu). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang bày bán 200 chiếc bếp lẩu, 540 chiếc đèn sưởi loại 2 bóng/chiếc, không có tem nhãn, không ghi nơi sản xuất, nước sản xuất, 60 chiếc bếp lẩu nướng điện có nhãn ghi Chefs Life do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ...
Xác định được tầm quan trọng và tính cấp bách trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trên mặt trận chống hàng giả, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm với quyết tâm cao, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về quyền của người tiêu dùng, về các biện pháp bảo vệ bản thân trước vấn nạn hàng giả. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường phối hợp liên ngành trong việc tuần tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Năm 2021, lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý 435 vụ vi phạm về kinh doanh thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3,1 tỷ đồng. Trong đó có 13 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 96,250 triệu đồng; giá trị hàng vi phạm bị xử lý trên 62,1 triệu đồng.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Để đẩy lùi hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Cùng với đó, các doanh nghiệp cần song hành hoạt động quảng bá sản phẩm với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới người tiêu dùng; đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.