Đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực

Ngày 1.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm 2022.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Và theo đại biểu, trong những tháng đầu năm 2022 kinh tế - xã hội đã đạt những kết quả nổi bật. Chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, phối hợp nhịp nhàng, nhìn chung đi vào thực tiễn có hiệu lực, hiệu quả.

Các chỉ số vĩ mô được giữ vững, tạo tiền đề, điều kiện quan trọng bậc nhất thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Quan hệ sản xuất và tiêu dùng cơ bản vẫn được giữ vững ngay cả trong giai đoạn đại dịch bùng phát.

Xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn trước tác động của đại dịch và chiến sự, song đã lấy lại đà theo chiều hướng tích cực một cách nhanh chóng- nhất là vào tháng 3, tháng 4 và đang có chiều hướng tốt hơn trong tháng 5. Theo đó, các yếu tố đầu vào của sản xuất được bảo đảm, xuất siêu tăng.

Chỉ số lạm phát trong giới hạn mục tiêu đặt ra, trong khi giá cả các yếu tố đầu vào tăng, thị trường thế giới rung lắc mạnh và nhìn chung các nước trên thế giới đều chịu áp lực lạm phát. Thu, chi ngân sách đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cả số lượng và chất lượng; đời sống của người lao động và nhân dân được bảo đảm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được tăng cường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Trong bối cảnh có nhiều phức tạp nảy sinh trên thế giới đến từ dịch bệnh và chiến sự, vấn đề biển Đông cũng xuất hiện nhiều phức tạp mới, song với chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, đất nước ta luôn giữ vững sự ổn định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm vững chắc, công tác đối ngoại tiếp tục đạt những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, về phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số hạn chế chủ yếu như, sự chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch và chưa kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập, chồng chéo trong một số lĩnh vực nhất là đất đai, xây dựng, đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Chính sách tài khóa - tiền tệ phục hồi phát triển KT-XH đi vào thực tiễn sản xuất và đời sống vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết. Tính kịp thời, thủ tục giải quyết và tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi cả nước vẫn xuất hiện những bất cập. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh chậm được thụ hưởng.

Các yếu tố đầu vào của sản xuất và đầu ra của nhiều loại sản phẩm hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị trường. Và theo đại biểu, tình trạng này Quốc hội đã nhiều lần đề cập, tuy nhiên đến nay việc khắc phục vẫn còn chậm.

Nông nghiệp vẫn thể hiện rõ tình trạng sản xuất manh mún, nông hộ, truyền thống, tự phát, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn; việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Cử tri cho rằng đây là một hạn chế lớn của ngành sản xuất nông nghiệp nước ta. Mặc dù những năm qua đã khắc phục được một phần, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu thực tế.

Những hạn chế đó càng được bộc lộ rõ nét, nóng lên khi thị trường thế giới đưa ra những yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như vừa qua và hiện nay.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu một số giải pháp. Trong đó, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu.

Vì theo đại biểu, thực tế thể chế vẫn còn không ít điểm nghẽn, xuất hiện nhiều thủ tục không có trong quy định. Thêm vào đó, tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, sợ liên đới trách nhiệm, ngại khó, ngại va chạm, mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân... ở không ít cán bộ quản lý, che đậy dưới hình thức này, hình thức khác, tinh tế hơn.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung chính sách hợp lý khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ; phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới về kỹ thuật công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với tính ưu việt của quan hệ sản xuất, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, vị thế cao, giá trị gia tăng lớn phải dựa trên trình độ lực lượng sản xuất ngày càng cao, trên cơ sở đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật công nghệ.

Có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước. Theo đại biểu, thị trường luôn là một trong những vấn đề mang ý nghĩa quyết định đến phục hồi phát triển kinh tế.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cho nên khơi thông và phát triển cả thị trường quốc tế và trong nước là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán, trái phiếu có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi, chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Bởi vậy, cần có giải pháp truyền thông thích hợp và kiên quyết đấu tranh chống những chủ thể, chủ mưu có hành vi thao túng, tung tin bịa đặt, mập mờ gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, làm lành mạnh hóa, phục hồi và phát triển thị trường vốn.

Một giải pháp quan trọng được đại biểu kiến nghị nữa đó là tiếp tục có biện pháp pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp kể cả khu vực công và tư.

Theo đại biểu, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

Trong cơn đại dịch Covid– 19 vừa qua, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hằng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần nhanh chóng có các biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của lao động khu vực này, và cần nhận thức rằng đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng làm động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội nước ta.

Tố Tuấn – Phạm Tâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dau-tranh-co-hieu-qua-voi-tham-nhung-tieu-cuc-a145817.html