Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông là tỉnh thuộc phía Nam Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Tây Nguyên và cả nước. Đây cũng là một trong những địa phương có quan hệ dân tộc phức tạp, nhạy cảm mà các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam.

Những năm qua, BĐBP Đắk Nông đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Kim Nhượng

Những năm qua, BĐBP Đắk Nông đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Kim Nhượng

Chủ động nhận diện, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - con người Đắk Nông trong giai đoạn mới là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Đắk Nông có diện tích 6.509,27km2. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, địa phương này có dân số 622.168 người, gồm 40 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Kinh có 419.808 người (chiếm 67,47%) và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 202.360 người (chiếm 32,53%); có 12 tôn giáo khác nhau với 281.643 tín đồ, chủ yếu là Công giáo, đạo Tin lành, Phật giáo và đạo Cao Đài. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Đắk Nông từ một tỉnh nghèo đi lên thành tỉnh nằm trong top giữa của cả nước.

Tuy nhiên, bất chấp sự nỗ lực, cố gắng của các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị, các thế lực thù địch, bọn phản động, phần tử cơ hội vẫn ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chính quyền các cấp nhằm âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá vỡ sự thống nhất, ổn định của đất nước tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam phục vụ mưu đồ của các nước lớn. Những âm mưu, thủ đoạn của chúng được biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tìm cách thành lập các tổ chức bất hợp pháp mới để quy tụ lực lượng và kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, ly khai trong vùng đồng bào DTTS. Đây chính là sự tiếp nối các âm mưu, thủ đoạn đã thất bại ở các năm 2001, 2004, 2008 trong việc thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập”, “Nhà nước tự trị” hay “Tin lành Đề-ga”. Những năm gần đây, các thế lực thù địch tiến hành thành lập những tổ chức phản động mới, đặc biệt là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” và “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.

Thứ hai, lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tăng cường các hoạt động chống phá trong vùng đồng bào các DTTS. Nhằm hỗ trợ cho việc tiếp cận các vấn đề dân tộc và tôn giáo từ bên ngoài, các thế lực thù địch lợi dụng sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, như Tiktok, Facebook, Instagram, Twitter, Wechat, Youtube... để lập ra nhiều “diễn đàn” khác nhau đa dạng về mặt hình thức, có diễn đàn công khai đối lập với đường lối của Đảng và Nhà nước; có diễn đàn lại ẩn dưới danh nghĩa bảo vệ quyền “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” cho đồng bào các DTTS; có diễn đàn chuyên đăng tải các thông tin sai lệch để chống phá chính quyền. Tinh vi hơn, các thế lực thù địch còn lập nên một số diễn đàn ngầm chống đối chính quyền, ngoài các tin tức chung về giáo lý, sinh hoạt đức tin, còn có chuyên mục “tự do tôn giáo” chuyên cung cấp các video, hình ảnh xuyên tạc về tình hình tôn giáo để vu cáo chính quyền.

Thứ ba, tăng cường tạo dựng “niềm tin” trong vùng đồng bào DTTS. Thủ đoạn này của các thế lực thù địch, bọn phản động hướng tới hai mục tiêu cơ bản đó là: Xác lập chỗ đứng, quy tụ lực lượng tham gia; tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào DTTS để che chắn và phát triển các hoạt động chống phá. Ngoài các chiêu trò gây ảnh hưởng của đức tin tôn giáo, các đối tượng còn mưu toan khoét sâu, thổi phồng những khó khăn trong đời sống thường nhật của đồng bào, cố gắng xúc tiến các hoạt động như đẩy mạnh nhiều chương trình “thiện nguyện”, “ủng hộ” tài chính, vật nuôi, cây trồng hoặc cắt cử người vào trong các buôn làng để “giúp đỡ” đồng bào.

Thứ tư, tăng cường âm mưu hoạt động ly gián, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc xuyên tạc, bóp méo thông tin. Trước tiên, các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bóp méo các vấn đề lịch sử liên quan đến quá trình tụ cư, văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào các DTTS. Từ trong lịch sử, hình thức tụ cư truyền thống của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên chủ yếu là các buôn, làng và một số ít vùng liên làng của người Ê Đê, Jarai và Xơ Đăng. Tuy nhiên, gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này để phục dựng lại hình tượng “vua nước”, “vua lửa”, “vương quốc của người Xơ Đăng” xưa kia. Chức năng, vai trò của các vị “vua” không giống như trước, mà đã được các đối tượng chuyển từ “thần quyền” sang “thế quyền”.

Thứ năm, thổi phồng các vấn đề DTTS nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các thế lực bên ngoài. Các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước luôn triệt để lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hóa, quốc tế hóa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền nhằm gây mất ổn định xã hội, tạo sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo; vu cáo chính quyền “ức hiếp”, “xua đuổi” người DTTS khi họ vượt biên trái phép. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chúng còn tổ chức nhiều phiên điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố xuyên tạc tình hình thực tế, vu khống chính quyền Việt Nam bắt giam, ngược đãi những người “bất đồng chính kiến”, các “chức sắc” và “tín đồ tôn giáo”, ngăn cấm “quyền tự do ngôn luận”, “trao đổi thông tin”...

Từ tình hình trên, để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch vùng DTTS. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đồng bào vùng DTTS nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước. Tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần ở nước ta. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...

Hai là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Đây là giải pháp có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào DTTS để chống phá. Các cấp, các ngành cần triển khai hiệu quả các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ; giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các DTTS, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, trọng tâm là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội ngày 18/11/2014 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ “cơ bản, toàn diện, liên hoàn, vững chắc”; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng. Chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp chống biểu tình, bạo loạn; làm tốt công tác kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án bảo vệ an ninh ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động phòng, chống các hoạt động tình báo, gián điệp của địch, củng cố trận địa an ninh nhân dân vững mạnh, làm cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Bốn là, đổi mới và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người DTTS vững mạnh về mọi mặt. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là người DTTS tại chỗ; đồng thời tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm...

Năm là, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động truyền bá, kích động cực đoan gây chia rẽ các dân tộc. Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch chỉ đạo, hậu thuẫn số đối tượng bên trong đòi ly khai, tự trị; đấu tranh với các hoạt động quốc tế hóa vấn đề dân tộc và sự can thiệp từ bên ngoài. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần bám sát, nắm chắc tư tưởng của quần chúng, vận động họ tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời, cần xây dựng nội dung, phương thức phù hợp để chủ động nhận diện và tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng.

Nguyễn Thế Độ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-tranh-lam-that-bai-am-muu-thu-doan-chong-pha-cua-cac-the-luc-thu-dich-phan-dong-tren-dia-ban-tinh-dak-nong-post463165.html