Đấu tranh, ngăn chặn nạn trộm cắp điện

Trộm cắp điện không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố điện, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ổn định, an toàn. Những năm qua, ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng người dân sử dụng các hành vi, thủ đoạn để trộm cắp điện.

Đầu tháng 4 vừa qua, Điện lực Lạc Sơn kiểm tra, phát hiện hộ bà Bùi Thị N., xóm Búm 2, xã Ân Nghĩa sử dụng hành vi trộm cắp điện.

Đầu tháng 4 vừa qua, Điện lực Lạc Sơn kiểm tra, phát hiện hộ bà Bùi Thị N., xóm Búm 2, xã Ân Nghĩa sử dụng hành vi trộm cắp điện.

Một ngày đầu tháng 4, nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong sử dụng điện của hộ bà Bùi Thị N., xóm Búm 2, xã Ân Nghĩa, Điện lực Lạc Sơn đã phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện gia đình bà N. tự ý tháo cầu áp công tơ để trộm cắp điện về nhà sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Ngoài ra, hộ này còn kéo thêm một đường dây sang nhà ông Bùi Văn Nh. (bố đẻ bà N.) để sử dụng. Do đó, mặc dù gia đình bà N. và ông Nh. đang sử dụng các thiết bị điện bình thường nhưng công tơ không hoạt động. Tại buổi kiểm tra, gia đình bà N. đã thừa nhận hành vi, Điện lực Lạc Sơn tiến hành lập biên bản để xử lý.

Qua trao đổi với đồng chí Ngô Đức Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Lạc Sơn được biết: Đây là trường hợp thứ hai đơn vị phát hiện đã sử dụng các thủ đoạn để trộm cắp điện tại xóm Búm 2. Trước đó, năm 2020, tại địa bàn xã Ân Nghĩa, Điện lực Lạc Sơn cũng đã phát hiện và xử lý 1 trường hợp khác. Hiện nay, xã Ân Nghĩa được coi là một điểm nóng về trộm cắp điện trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Cũng trong năm 2020, Điện lực Lạc Sơn phát hiện, truy thu đối với 9 khách hàng đã sử dụng các thủ đoạn để trộm cắp điện.

Ngoài địa bàn huyện Lạc Sơn, tình trạng trộm cắp điện cũng xảy ra ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Trong những năm gần đây, tình trạng trộm cắp điện chủ yếu xảy ra đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, nhất là những khách hàng vẫn đang sử dụng công tơ cơ khí. Theo đó, để trộm cắp điện, các đối tượng sử dụng nhiều hành vi như: Câu móc trực tiếp trước đồng hồ đo điện, can thiệp vào hệ thống mạch đo làm sai lệch nguyên lý hoạt động của đồng hồ. Năm 2019, ngành Điện phát hiện 16 vụ với tổng điện năng bồi thường là 32.692 kWh, truy thu 105 triệu đồng; năm 2020, phát hiện 11 vụ việc, tổng điện năng bồi thường là 26.764 kWh, truy thu 87,8 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay phát hiện 5 vụ, đã xử lý 2 vụ, điện năng bồi thường là 23.766 kWh, truy thu 79,7 triệu đồng; còn 3 vụ đang tính toán bồi thường.

"Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ, các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện và các hành vi lấy điện gian lận khác. Đây không chỉ là hành vi phạm pháp luật, mà việc câu móc trên đường dây còn gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính người thực hiện hành vi đó. Đồng thời, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra chập, cháy nổ trên đường dây điện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thất điện năng. Để đấu tranh, ngăn chặn nạn trộm cắp điện, công ty đã chỉ đạo các điện lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến khách hàng sử dụng điện theo hợp đồng mua bán điện. Công ty cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, cũng như có biện pháp xử lý để răn đe đối tượng thực hiện các hành vi, thủ đoạn để trộm cắp điện. Trong thời gian tới, ngành Điện sẽ đẩy nhanh việc thay thế các công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử để phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng trộm cắp điện” - đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình nhấn mạnh.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/152005/dau-tranh,-ngan-chan-nan-trom-cap-dien.htm