Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết tâm, tiến hành bài bản, khoa học, chặt chẽ, có sức thuyết phục
Chiều 15-8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Đăng Quang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc TTXVN cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thông tin trong toàn ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước, cung cấp nguồn thông tin chuẩn xác, đúng định hướng cho hệ thống báo chí, các đơn vị thông tin của TTXVN có cơ chế kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, với nhiều khâu biên tập, hiệu đính, duyệt trước khi đăng, phát. Với các sản phẩm thông tin trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, việc kiểm duyệt thông tin càng được chú trọng, góp phần kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lợi dụng “quyền lực truyền thông” hoặc “lợi ích nhóm”.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã sản xuất, đăng phát khoảng 600 tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, tin đồ họa về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ngay đầu năm 2019, trên Cổng thông tin điện tử của TTXVN đã giới thiệu sản phẩm thông tin đặc biệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với hình thức Megastory. Đây là sản phẩm báo chí đa phương tiện, tích hợp các loại hình thông tin như văn bản, ảnh, đồ họa; tập hợp cơ sở dữ liệu gồm tất cả các vụ tiêu cực, tham nhũng bị xử lý kỷ luật, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong suốt năm 2018, ở Trung ương và địa phương, thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân.
Tuyến tin phòng, chống tham nhũng “vặt” tiếp tục tăng cường, bám sát tình hình ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Chuyên mục “Người tốt, việc tốt”, bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN đã khai thác, biên tập, dịch sang 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha, gần 600 tin, bài để các báo và các hãng thông tấn nước ngoài khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, TTXVN còn thực hiện thông tin, báo cáo tham khảo về lĩnh vực này phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, trong đó, chú ý khai thác dư luận quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với nhiều nguồn tin.
Thực hiện chức năng thông tấn nhà nước, thông tin của TTXVN đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin, TTXVN còn phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua các hình thức tiếp nhận, xử lý đơn thư của nhân dân và bạn đọc.
Sáu tháng đầu năm 2019, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Trong công tác cán bộ, thực hiện đúng quy định về công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức, người lao động. Trong công tác công tác tài chính, thực hiện việc giao số dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc năm 2019 đảm bảo công khai, minh bạch; lập kế hoạch và thực hiện công tác xét duyệt quyết toán tài chính năm 2018 của 12 đơn vị dự toán trực thuộc theo đúng quy định.
Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đúng quy định trong mọi hoạt động, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác trong và ngoài nước; mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện thiết bị làm việc của cơ quan; đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại 02 doanh nghiệp của ngành.
Tất cả các đơn vị trực thuộc TTXVN đều tuân thủ các quy chế, quy định của ngành về công tác quản lý tài chính, đồng thời thực hiện tốt việc đóng góp nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.
Tại buổi làm việc, với vai trò của cơ quan thông tấn nhà nước, TTXVN đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có cơ chế cung cấp thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp nguồn thông tin chính thức, chính thống liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng cho TTXVN, góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cung cấp thông tin, làm rõ hơn các kết luận, quyết định liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan tới lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyến thông tin phòng, chống tham nhũng của TTXVN.
PHÒNG NGỪA CHẶT CHẼ, NGĂN NGỪA TỪ GỐC
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá Đảng ủy TTXVN nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Với chức năng thông tấn nhà nước, thông tin của TTXVN đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các đơn vị thông tin thực hiện bằng các loại hình (tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa) tích hợp trong các sản phẩm thông tin của TTXVN. Nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng được các đơn vị thông tin của TTXVN triển khai khá phong phú, đa dạng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, công tác kiểm tra của Ban Kiểm tra TTXVN , Công đoàn TTXVN và hoạt động thanh tra nhân dân, TTXVN chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào trong nội bộ và chưa phát hiện trường hợp nào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Đảng ủy TTXVN tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, thiết thực các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường lực lượng phóng viên tham gia trực tiếp cho mảng đề tài trọng yếu này; chú trọng giới thiệu các điển hình tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng, kết hợp tốt giữa "chống" và "xây", "chống" để "xây" và "xây" để "chống" khi thông tin về phòng, chống tham nhũng, tránh thông tin một cách cực đoan, một chiều, đơn giản hóa sự việc, nhấn mạnh khuyết điểm và tiêu cực mà thiếu cách nhìn toàn diện khi đánh giá sự việc.
TTXVN cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị với phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, TTXVN đã chuẩn bị tài liệu chuẩn bị đầy đủ, phong phú, công phu, nghiêm túc.
Nhìn nhận công việc 6 tháng đầu năm 2019 của TTXVN, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, với tư cách là cơ quan thông tấn, nơi cung cấp tin nguồn nhiều lĩnh vực, trong đó, có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TTXVN đã làm rất tốt.
“Tuy thống kê chưa đầy đủ, nhưng với số lượng trung bình là 3 tin, bài/ngày, kể cả ngày nghỉ, là số lượng lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chất lượng tin, bài của TTXVN cũng rất tốt, phản ánh được kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian vừa qua. Trong hình thức tuyên truyền, với thế mạnh và kinh nghiệm của mình, các đồng chí cũng lựa chọn hình thức mới, hấp dẫn người đọc, hệ thống hóa vấn đề, phản ánh đầy đủ, có tính hệ thống trong công tác này trong thời gian vừa qua” – Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, là một hãng thông tấn lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc, trải dài trên tất cả các vùng, miền trên cả nước và cơ quan thường trú ở nước ngoài, TTXVN cũng đã có chú ý về công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ của cơ quan như việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng.
“Trên cơ sở quán triệt chủ trương, nghị quyết, kết luận đó, TTXVN đã hình thành quy chế, quy định của cơ quan. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong nội bộ, tổ chức đảng, đảng viên... Đã công khai minh bạch những quy định, quy chế liên quan đến mua sắm chi tiêu trong nội bộ. Đây là những điều rất đáng hoan nghênh” – Đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ.
Về nhiệm vụ sắp tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TTXVN lưu ý một số nội dung sau:
Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng cao, ngày càng quyết liệt nên đòi hỏi công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn.
“1) Đấu tranh bằng nhiều biện pháp, báo chí cũng là một trong những biện pháp đấu tranh rất hiệu quả. Chúng ta không chỉ thông tin, tuyên truyền kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà chính chúng ta tham gia vào công tác này bằng phương pháp, cách thức của cơ quan báo chí. 2) Đấu tranh đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết tâm; việc tiến hành bài bản, khoa học, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Đối với TTXVN, yêu cầu này càng đặt ra cao hơn vì đây là cơ quan cung cấp thông tin nguồn. 3) Việc đấu tranh phải gắn liền với việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” – Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Bên cạnh việc đã làm, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, TTXVN cần tiếp tục duy trì còn phải tập trung vào một số lĩnh vực mới, lĩnh vực còn khó khăn, hạn chế; ví dụ: đấu tranh chống tham nhũng ở cấp cơ sở, trong mối quan hệ giữa người thực thi công vụ và công dân..., để mọi người dân đều cảm thấy được thành tựu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Góp tiếng nói để ngăn ngừa tình trạng tình trạng tiêu cực, vụ việc đã xử lý, có biện pháp để tiền của người dân, Nhà nước không bị thất thoát.
“Trong quá trình đó, cần phải thực sự tỉnh táo, lưu ý không trở thành công cụ cho những cơ hội chính trị, lợi dụng báo chí. Chúng ta là đại diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chứ không phải của một cá nhân riêng lẻ”.
Đối với nội bộ cơ quan TTXVN, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, cần tiếp tục triển khai những việc đã làm tốt. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa, trong đó, phòng là chính; thể hiện qua việc thực hiện dân chủ cơ quan, công khai, minh bạch trong lĩnh vực phải chi tiêu, xây dựng các quy chế, định mức...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng.
“Việc tiêu cực trong cơ quan báo chí về hành chính, tài chính không nguy hiểm bằng việc tiêu cực bằng chính ngòi bút, bằng bài viết. Cần cảnh báo và ngăn ngừa tránh tình trạng “Sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng”, “chào hàng lấy tiền”... TTXVN cần ngăn ngừa những tình trạng nêu trên để góp phần cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trong sạch”.
Về các kiến nghị của TTXVN về cơ chế cung cấp thông tin, tiếp cận với thông tin một cách kịp thời, hệ thống, cân đối, hài hòa giữa các mảng thông tin tốt – xấu, tích cực – tiêu cực, cung cấp thông tin theo định kỳ..., đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận, tiếp thu, trao đổi với các cơ quan chức năng để chủ động thông tin hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.