Đấu tranh tại phiên tòa trong vụ án bị cáo sử dụng 'quyền im lặng'
Bị cáo sử dụng 'quyền im lặng' ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử tại phiên tòa. Tuy nhiên, Kiểm sát viên đã triệt để sử dụng việc trình chiếu hồ sơ đã được số hóa, kết hợp với sự phân tích chi tiết, cặn kẽ từng chứng cứ đã được thu thập trên cơ sở lập luận, đối đáp với Luật sư để thuyết phục được HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS về tội danh và mức án.
TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Quỳnh Trang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là một vụ án đặc biệt bởi bị cáo sử dụng “quyền im lặng” (không buộc phải khai báo, không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng) ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử tại phiên tòa, khiến quá trình chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn.
Theo Cáo trạng số 71 ngày 19/6/2020 của VKSND tỉnh Quảng Ninh: Trong các ngày 21/12/2018 và 15/01/2019, tại khu 1, phường Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, để có tiền trả nợ, Trần Quỳnh Trang đã có hành vi gian dối, sử dụng tài khoản facebook “Hoa Do” do Trang lập cho mẹ chồng là bà Đỗ Thị Hoa để giả bà Hoa nhắn tin vay tiền bà Nguyễn Thị Lý và nói với bà Lý là Trang được bà Hoa ủy quyền nhận tiền của bà Lý thay cho bà Hoa. Tổng số tiền Trang chiếm đoạt của bà Lý là khoảng 900 triệu đồng.
Tại quá trình giải quyết tố giác tội phạm ban đầu, Trang thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, ngay sau khi Cơ quan CSĐT Công an thị xã Đông Triều khởi tố vụ án, Trang phản cung và đồng thời sử dụng “quyền im lặng” - một quyền mới được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015.
Vụ án sau đó đã chuyển điều tra theo thẩm quyền đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình điều tra, do bị cáo sử dụng tuyệt đối “quyền im lặng” gây khó khăn cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, nên 2 cơ quan đã phải tiến hành nhiều hoạt động như: Tương trợ tư pháp đến Bộ Tư pháp Hà Lan lấy lời khai của bà Hoa (mẹ chồng Trang, hiện đang sống tại Hà Lan) khẳng định bà Hoa không ủy quyền cho Trang vay bất cứ khoản tiền nào của bà Lý, giám định giọng nói đối với đoạn ghi âm mà Trang nhờ người khác đóng giả bà Hoa để gửi cho bà Lý, lấy lời khai những người có liên quan hoặc biết đến sự việc... để chứng minh hành vi phạm tội của Trang.
Trước tính chất phức tạp của vụ án, để phục vụ việc đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Trang trong giai đoạn xét xử, Phòng 2 - VKSND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện việc số hóa hồ sơ vụ án.
Tại phiên tòa, ban đầu, Trang quanh co, chối tội và chỉ khai nhỏ giọt, sau đó tiếp tục “im lặng”. Luật sư bào chữa cho bị cáo một mực cho rằng bị cáo không phạm tội, đây chỉ là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, Kiểm sát viên đã triệt để sử dụng việc trình chiếu hồ sơ đã được số hóa, kết hợp với sự phân tích chi tiết, cặn kẽ từng chứng cứ đã được thu thập trên cơ sở lập luận, đối đáp với Luật sư để thuyết phục được HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS về tội danh và mức án với khung cao nhất của tội này.
Theo đề nghị của đại diện VKSND giữ quyền công tố tại Tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Quỳnh Trang 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS.
Bản án 12 năm tù là một bài học cảnh tỉnh nghiêm khắc cho kẻ đã dùng thủ đoạn tinh vi, khiến cho bị hại tưởng rằng có việc ủy quyền vay tiền mà trao khoản tiền lớn.
Phiên tòa xét xử cũng là một minh chứng rõ nét về tác dụng của việc sử dụng phương pháp số hóa và trình chiếu tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa, nhất là đối với những trường hợp bị cáo sử dụng “quyền im lặng” trước Tòa.
Tuy nhiên, quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án cũng cho thấy, việc chống phản cung ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là một yêu cầu hết sức cần thiết trong quá trình thực hành quyền công tố đối với các vụ án lừa đảo, lạm dụng nói riêng và các vụ án hình sự nói chung.
Khi các đối tượng trực tiếp nhận tội, kể cả đó là thời điểm chưa khởi tố vụ án, cũng cần nhanh chóng có các biện pháp chống phản cung dưới dạng lập biên bản làm việc như: Ghi âm, ghi hình có âm thanh, thu giữ các công cụ, phương tiện mà các đối tượng đã sử dụng trong quá trình phạm tội, cho thực nghiệm điều tra, diễn tả các hành vi khách quan mà đối tượng đã thực hiện... nhằm chứng minh tính liên quan, logic, phù hợp giữa lời khai với các chứng cứ, đồ vật, tài liệu có trong vụ án.
Đây cũng chính là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay kéo dài thời gian giải quyết các vụ án hình sự.