Thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' (TDĐ), từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã tập trung lực lượng, quyết liệt đấu tranh, phá nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động TDĐ...
Your browser does not support the audio element.
Đối tượng Đỗ Văn Chiến (SN 1996), trú tại xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) bị Công an huyện Kim Bôi bắt giữ về hành vi đòi nợ theo hình thức cho vay tín dụng "đen" trên địa bàn huyện. Quyết liệt đấu tranh với hoạt động "tín dụng đen" Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an tỉnh, tình hình hoạt động cho vay nặng lãi, TDĐ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều cơ sở đã chuyển hình thức kinh doanh từ cầm đồ sang cho thuê xe, tư vấn hỗ trợ tài chính. Thống kê của lực lượng Công an, tính đến tháng 10/2020, toàn tỉnh có 115 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê, hỗ trợ tài chính. Năm 2019, lực lượng chức năng Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã phát hiện, khởi tố 6 vụ, 6 bị can về tội cho vay nặng lãi, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản xuất phát từ nguyên nhân cho vay nặng lãi. Riêng 10 tháng năm 2020 đã bắt giữ, khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Ngày 28/2/2020, Công an TP Hòa Bình bắt, khởi tố Hoàng Văn Cường (SN 1983) về tội cho vay nặng lãi. Qua điều tra xác định, đối tượng này cho 7 người vay tiền và thu lời bất chính hơn 53 triệu đồng. Ngày 22/8/2020, Công an huyện Yên Thủy chủ trì phối hợp Phòng CSHS bắt Lê Trung Kiên (SN 1976), trú tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ tổng số tiền Kiên thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng lãi 100 triệu đồng... Tăng cường giải pháp đẩy lùi "tín dụng đen" Quyết liệt đấu tranh với tội phạm này, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp đẩy lùi TDĐ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức, nâng cao hiểu biết của người dân đối với quy định của Nhà nước về vay, cho vay tiền, những hệ lụy khi vướng vào TDĐ; nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm; huy động sự tham gia, vào cuộc của hệ thống chính trị và lực lượng Công an cơ sở trong tuyên truyền, nắm bắt tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp liên quan đến hoạt động TDĐ nhằm trấn áp các đối tượng, băng, ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ mỗi địa bàn... Ngày 17/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động TDĐ và trao tặng an sinh xã hội” tại các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy. Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng:Agribank, Chính sách xã hội, SHB đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách... nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, hạn chế TDĐ như: Nâng mức cho vay tối đa; vay không phải đảm bảo tiền vay, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... Cùng với đó, các ngân hàng cam kết mở rộng, đa dạng loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức... Đây được xem là những giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi TDĐ ra khỏi đời sống xã hội. Mạnh Hùng