Đấu tranh với nạn sách giáo khoa giả: Mệnh lệnh bảo vệ tri thức và tương lai đất nước

Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt 13 bị cáo trong đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả - một trong những vụ án lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến sách giả, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Vụ việc không chỉ phơi bày quy mô ngày càng tinh vi, liều lĩnh của tội phạm trong lĩnh vực xuất bản mà còn đặt ra thách thức lớn đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh và ngành giáo dục. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng về một cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn bao giờ hết.

Sách giáo khoa giả - hiểm họa từ những trang sách độc hại

Theo cáo trạng, từ năm 2021 đến 2023, nhóm bị cáo do Trần Hùng Cường (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát) cầm đầu đã tổ chức in lậu, gia công và tiêu thụ 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều nhà xưởng “ma”, hợp đồng in ấn trá hình và phân phối thông qua hệ thống cửa hàng, đại lý ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Độ đậm nét và sự sắc nét của chữ in, hình ảnh có sự khác biệt rõ rệt.

Độ đậm nét và sự sắc nét của chữ in, hình ảnh có sự khác biệt rõ rệt.

Không khó để nhận thấy, việc tiêu thụ sách giáo khoa giả đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt vào đầu mỗi năm học mới. Sách giả thường có giá rẻ hơn từ 20-40% so với sách thật, bìa mỏng, giấy kém chất lượng, mực in dễ phai, nhiều lỗi chính tả, thậm chí nội dung sai lệch nghiêm trọng. Không ít phụ huynh, vì kinh tế eo hẹp hoặc thiếu thông tin, đã vô tình mua phải sách giả mà không hề hay biết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và tiếp thu kiến thức của con em mình.

Đáng lo ngại hơn, sách giáo khoa giả còn tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục, làm mất lòng tin của người dân vào hệ thống xuất bản, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ của các nhà xuất bản, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín. Theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mỗi năm đơn vị này phối hợp với cơ quan chức năng xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến sách lậu, sách giả nhưng con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Thời gian qua, lực lượng Công an, Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm. Riêng trong năm 2023, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý hơn 60 vụ sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả trên toàn quốc, thu giữ gần 2 triệu cuốn sách và hàng tấn giấy in không rõ nguồn gốc.

Chất lượng sách in lậu kém hơn so với sách thật.

Chất lượng sách in lậu kém hơn so với sách thật.

Vụ án triệt phá đường dây sản xuất 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả là kết quả của quá trình trinh sát, điều tra kéo dài nhiều tháng. Từ các dấu hiệu bất thường trong vận chuyển, lực lượng Công an Hà Nội phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và lực lượng Quản lý thị trường đã lần ra manh mối các cơ sở in ấn “chui”, bóc gỡ toàn bộ mắt xích trong đường dây. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng An ninh văn hóa tư tưởng, Công an TP Hà Nội, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện rõ mức độ coi thường pháp luật và lợi dụng kẽ hở trong quản lý xuất bản của các đối tượng. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là lời cảnh báo nghiêm khắc đến những ai đang tiếp tay hoặc tham gia vào hoạt động in lậu, phát hành sách giả.

Tuy nhiên, đấu tranh với sách giả không chỉ dừng lại ở việc xử lý hình sự. Đây là cuộc chiến đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, lâu dài và toàn diện của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, điều tra và truy tố các đối tượng vi phạm.

Giải pháp nào để ngăn chặn từ gốc?

Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng mức xử phạt đối với hành vi in lậu, buôn bán sách giả. Hiện nay, mức xử phạt hành chính từ 5 đến 20 triệu đồng là quá thấp so với lợi nhuận từ việc in sách lậu, chưa đủ sức răn đe. Cần có quy định cụ thể về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi có tổ chức, số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm của các nhà xuất bản trong việc quản lý chuỗi in ấn, phát hành. Việc ứng dụng công nghệ mã QR chống giả, tem điện tử truy xuất nguồn gốc phải được triển khai đồng bộ và minh bạch hơn, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin, xuất xứ sản phẩm.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của sách giả. Phụ huynh, giáo viên cần được hướng dẫn cách nhận biết sách thật - sách giả, khuyến khích mua sách tại các nhà sách uy tín, tránh vì rẻ mà tiếp tay cho vi phạm pháp luật.

Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, ngành giáo dục, truyền thông và các địa phương để xử lý nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm. Việc xử lý nghiêm các vụ án như vụ 1,6 triệu cuốn sách giả vừa qua cần được xem là “án điểm”, góp phần tạo sức răn đe, làm sạch thị trường xuất bản.

Sách giáo khoa không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là công cụ giáo dục, là phương tiện truyền tải tri thức, nuôi dưỡng nhân cách và tương lai của cả một thế hệ. Việc sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là tội ác đối với giáo dục và tri thức. Do đó, cuộc chiến chống sách giả cần được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài và phải được thực hiện với tinh thần kiên quyết, đồng lòng của toàn xã hội. Đó không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công an mà còn là mệnh lệnh hành động vì lợi ích quốc gia, vì tương lai của đất nước.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/dau-tranh-voi-nan-sach-giao-khoa-gia-menh-lenh-bao-ve-tri-thuc-va-tuong-lai-dat-nuoc-i774230/