Đấu tranh với tội phạm mạng xã hội

BPO - Bình Phước hiện đã phát triển trên hầu hết lĩnh vực, hướng tới một tỉnh năng động, hiện đại. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động trên không gian mạng. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng tiếp cận lừa đảo. Số nạn nhân của mạng xã hội (MXH) đã không ngừng tăng lên theo sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng MXH. Làm sao để vừa phát triển theo hướng hiện đại, dùng công nghệ số để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời hạn chế mặt trái, hệ lụy của công nghệ số, MXH là vấn đề được lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp quan tâm.

Bài 1:
“CUỘC CHIẾN”
KHÔNG TIẾNG SÚNG

Không gian mạng đang dần trở thành môi trường thuận lợi để các loại đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và ngày càng có nhiều người dân trở thành nạn nhân của tội phạm MXH, gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. Đấu tranh với loại tội phạm mới này rất gian nan, vất vả - một mặt trận không tiếng súng.

Nhận diện và ứng xử với thông tin xấu, độc

MXH là khái niệm được quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây. Bởi sự kết nối, tiện lợi cũng như khối lượng thông tin khổng lồ, đa dạng mà nó mang lại cho người dùng. Tuy nhiên, trong "rừng" thông tin đó, nhiều người dùng MXH đã không tỉnh táo nên vướng vào những rắc rối, hệ lụy khôn lường.

Cán bộ Công an thị xã Bình Long phát tờ rơi tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm và những biện pháp phòng ngừa, đặc biệt lưu ý người dân về thủ đoạn tinh vi liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, internet - Ảnh: T.L

Để công tác phòng, chống tội phạm MXH hiệu quả, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phòng, chống thông tin xấu, độc. Ông Lê Nguyên Tánh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thông tin xấu, độc phát tán trên internet và MXH là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”... Hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Để phòng, chống thông tin xấu, độc trên MXH, mỗi người cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Đặc biệt là kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc. Mặt khác, người dùng MXH cần có kỹ năng công nghệ thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên MXH. Cần thận trọng cân nhắc khi comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link... để tránh vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc.

Để xác định thông tin mình tiếp cận là giả hay thật, đúng hay sai, tốt hay xấu, chúng ta cần tìm hiểu kỹ. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Đồng thời nên chọn lọc những thông tin có lợi, thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận. Thường thì những thông tin xấu, độc được tung ra nhằm khuấy động dư luận và tạo ra các luồng nhận thức khác nhau. Nhiều người vì tò mò mà tiếp cận, chia sẻ dẫn đến sai phạm.

Ông LÊ NGUYÊN TÁNH,
Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông

Thủ đoạn gian manh…

Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo qua MXH. Các đối tượng tội phạm trên không gian mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Bởi tất cả đều là những tội phạm “giấu mặt”. Vì vậy, công tác điều tra, xác minh, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng khó khăn, vất vả hơn các loại tội phạm truyền thống. Thượng tá Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Lừa đảo qua MXH hiện nay đa số do các đối tượng là tội phạm truyền thống thực hiện. Tỷ lệ tội phạm truyền thống chuyển qua sử dụng MXH để hoạt động chiếm 90%. Chúng không bỏ qua bất cứ một ai, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi và mục đích hướng tới là chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Đối tượng Nguyễn Thu Hương đã thực hiện hành vi dẫn dụ ông T tham gia trang web lừa đảo khiến ông T bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng

Đối tượng Nguyễn Thu Hương đã thực hiện hành vi dẫn dụ ông T tham gia trang web lừa đảo khiến ông T bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng

Mới đây nhất, trên địa bàn thị xã Bình Long xảy ra vụ việc ông N.T.T ở khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh bị lừa đảo qua MXH bằng hình thức tham gia các gói đầu tư trên trang web Vndirectci.vn thông qua môi giới của các đối tượng có tên Facebook là “Phạm Gia Hân” và “Anie Tran”. Ban đầu ông T nộp 24 triệu đồng để đầu tư, sau đó nhận về gần 31 triệu đồng cả tiền gốc và lãi. Thấy kiếm tiền dễ dàng nên ông T tiếp tục nộp tiền theo hướng dẫn của trang web để đầu tư sinh lời. Nhưng ở những lần nộp tiền sau, ông không nhận được tiền gốc và lãi nữa mà còn bị yêu cầu nộp thêm tiền. Các tài khoản “Phạm Gia Hân” và “Anie Tran” liên tục hối thúc ông T nộp tiền để thực hiện nhiệm vụ và càng nộp số tiền mất đi càng lớn. Với mong muốn lấy lại tiền, ông T vẫn tiếp tục làm theo yêu cầu của các đối tượng. Cứ như vậy, ông T đã bị các đối tượng lừa đảo hơn 1 tỷ đồng. Qua trình báo của ông T, Công an tỉnh đã điều tra, phát hiện tài khoản “Phạm Gia Hân” do Nguyễn Thu Hương, SN 1991, thường trú xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang làm việc cho một công ty Trung Quốc đóng tại Campuchia. Sau khi xác định đối tượng lừa đảo, Công an tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Phòng PA05, Công an tỉnh Nam Định bắt đối tượng ngay khi vừa nhập cảnh về Việt Nam ngày 13-10-2022. Qua khai nhận, đối tượng cho biết làm việc cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia với mức lương 200 USD/tháng, ngoài ra còn được hưởng 5% số tiền mà đối tượng thông qua công ty để lừa đảo các nạn nhân. Cụ thể, ở vụ việc của ông T, Hương nhận được khoảng 60 triệu đồng.

Chỉ vì hám lợi trước mắt, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà nhiều người đã trở thành con mồi béo bở của các đối tượng tội phạm công nghệ. Chỉ trong thời gian ngắn, cái giá phải trả của những nạn nhân là cả một gia tài, một tương lai mờ mịt.

Trang web mà Nguyễn Thu Hương dùng để lừa đảo nhiều người tham gia nộp tiền thực hiện nhiệm vụ và rồi tiền của các bị hại đã “bốc hơi” với thông báo bị đóng băng

Trang web mà Nguyễn Thu Hương dùng để lừa đảo nhiều người tham gia nộp tiền thực hiện nhiệm vụ và rồi tiền của các bị hại đã “bốc hơi” với thông báo bị đóng băng

Từng là nạn nhân trên MXH cách đây gần 2 năm, đến nay bà L.T.H ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản vẫn chưa thể trở lại cuộc sống bình thường vì số tài sản bị lừa quá lớn gần 3 tỷ đồng. Dù đã tìm tới cơ quan công an để can thiệp nhưng những chứng cứ mà bà cung cấp về đối tượng lừa đảo quá mơ hồ. Do các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, không để lại dấu vết, các số tài khoản liên lạc với bà đều là nick ảo nên việc lấy lại số tiền đã mất là rất khó. Bà H cho biết: “Chỉ vì tôi tin vào người tự xưng là quân nhân ở nước ngoài đã giải ngũ muốn về Việt Nam sinh sống cùng. Đối tượng nói gửi cho tôi hộp quà có giá trị hơn 30 tỷ đồng. Để nhận được gói quà này tôi đã đóng rất nhiều loại phí, thuế do các đối tượng đặt ra. Cứ như một vòng xoáy, tôi bị cuốn vào và chuyển tiền hết lần này đến lần khác, đến khi không còn khả năng xoay xở nữa, tôi đành chấp nhận mất gần 3 tỷ đồng và hộp quà kia. Tôi biết khả năng lấy lại số tiền là điều không thể, nhưng mong muốn qua vụ việc của tôi là sự cảnh tỉnh đối với người dùng MXH và giúp công an có thêm chứng cứ để ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ”.

Đấu tranh vất vả

Việc đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo thông qua công nghệ là điều rất khó khăn, khả năng khắc phục hậu quả cho bị hại rất thấp. Xác định người dân là mục tiêu, là bị hại mà đối tượng phạm tội hướng tới, lực lượng công an đã đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người dân khi tham gia MXH. Đồng thời, Công an tỉnh tập trung đấu tranh triệt phá các loại tội phạm; phối hợp các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó lấy chính những hình ảnh, câu chuyện của bị hại để tuyên truyền giúp người dân phòng, tránh và hỗ trợ lực lượng công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Từ đầu năm đến cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại ước tính 11 tỷ 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 34 tin xấu, độc, tin sai sự thật. Riêng lực lượng an ninh mạng đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 27 vụ đưa tin xấu, độc, tin sai sự thật với số tiền 137,5 triệu đồng.

Người dân không nên nhẹ dạ, tin vào những lời mời chào việc nhẹ lương cao để tham gia làm việc cho các công ty lừa đảo qua MXH, internet. Vì công dân Việt Nam nếu làm việc cho các công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam thì dù thực hiện ở nước ngoài cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Thượng tá NGUYỄN VĂN HUY,
Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh

Ngọc Bích - Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/138768/dau-tranh-voi-toi-pham-mang-xa-hoi