Đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' có hiệu quả

Qua 5 năm triển khai Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (viết tắt là Chỉ thị số 12), tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được kiểm soát và kéo giảm; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay giảm đáng kể. Đặc biệt, các vụ việc liên quan hoạt động “tín dụng đen” được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, không để phát sinh tình hình phức tạp, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Công an TP Sa Đéc lập biên bản 2 đối tượng: Lê Việt Thao, Trần Huy Bình cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên có hành vi quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”(Ảnh: T.L)

Công an TP Sa Đéc lập biên bản 2 đối tượng: Lê Việt Thao, Trần Huy Bình cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên có hành vi quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”(Ảnh: T.L)

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác với “tín dụng đen”

Tình hình liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nổi lên từ cuối năm 2017 và có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đa số đối tượng từ các tỉnh phía Bắc cấu kết với một số đối tượng ở địa phương hoạt động cho vay nặng lãi, công khai treo biển, dán, phát tờ rơi quảng cáo tại nơi công cộng hoặc thành lập các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, mua bán, cho thuê xe ô tô, xe máy... để núp bóng hoạt động. Khi người vay tiền không trả nợ thì bị các đối tượng sử dụng bạo lực để siết nợ, xâm hại sức khỏe, tài sản của bị hại, kéo theo hệ lụy là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan như: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và các hành vi đe dọa, gây rối trật tự công cộng, đổ chất bẩn, chất thải, tạt sơn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương và dư luận trong Nhân dân.

Trên tinh thần Chỉ thị số 12, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý hình sự các vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đến nay, tình hình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhất là người dân có ý thức cao và tích cực tham gia đấu tranh với loại tội phạm này. Các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 12 và các quy định của pháp luật về hoạt động vay mượn trong các giao dịch dân sự; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”.

Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền về các hành vi lừa đảo thông qua huy động vốn, đòi nợ trái pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, người dân biết, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhất là phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép vào chương trình tư vấn pháp luật với các chủ đề: “Pháp luật về hụi”, “Pháp luật về hợp đồng giao dịch dân sự”, “Pháp luật về thi hành án hình sự”, “Pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và chuyên mục phổ biến pháp luật “Biết để làm đúng” với chủ đề “Tín dụng cho học sinh, sinh viên và một số chính sách tín dụng khác cho người dân”, “Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả tạo” trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Qua đó, người dân có nhận thức, ý thức cảnh giác cao và tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm “tín dụng đen”.

Công an TP Sa Đéc phát hiện kịp thời 1 đối tượng có hành vi rải tờ rơi cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, tại khu vực Phường 2 và tạm giữ nhiều tang vật có liên quan (Ảnh: T.L)

Công an TP Sa Đéc phát hiện kịp thời 1 đối tượng có hành vi rải tờ rơi cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, tại khu vực Phường 2 và tạm giữ nhiều tang vật có liên quan (Ảnh: T.L)

Hoạt động “tín dụng đen” được kiểm soát và kéo giảm

UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Thường xuyên rà soát, lập danh sách các đối tượng có điều kiện, khả năng và có dấu hiệu nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” để đưa vào diện quản lý, đấu tranh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và kiên quyết không để hình thành các tổ chức, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ, yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung phiếu lý lịch tư pháp, hộ khẩu thường trú, chứng minh địa chỉ trong thành phần hồ sơ đăng ký. Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều gửi thông tin đến cơ quan Công an để phối hợp trong việc xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đăng ký ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Từ năm 2019 đến tháng 5/2024, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 108 vụ, 190 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kết quả, Cơ quan Công an khởi tố vụ án hình sự 16 vụ, 52 bị can (đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố và Tòa án đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật); ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự 1 vụ với 1 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 91 vụ, 137 đối tượng với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân 2 cấp đã thực hiện tốt công tác truy tố, xét xử các vụ án liên quan hoạt động “tín dụng đen” theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tình hình hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế, kiểm soát, nhưng dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh phức tạp, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Lợi dụng thực trạng trên, các đối tượng sẽ tìm cách tiếp cận người dân có nhu cầu vay vốn với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đa dạng, rất khó phát hiện, xử lý. Các đối tượng có xu hướng chuyển sang hoạt động trên không gian mạng, tạo tài khoản “ảo” trên mạng xã hội để quảng cáo, sử dụng các App cho vay trực tuyến với thủ tục vay đơn giản để lôi kéo người dân tham gia vay tiền với lãi suất cao.

Tòa án nhân dân TP Hồng Ngự xét xử 2 bị cáo: Đoàn Thanh Đông, Nguyễn Văn Duy cùng ngụ tỉnh Ninh Bình về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Ảnh: CTV)

Tòa án nhân dân TP Hồng Ngự xét xử 2 bị cáo: Đoàn Thanh Đông, Nguyễn Văn Duy cùng ngụ tỉnh Ninh Bình về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Ảnh: CTV)

Chính vì thế, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12, thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động liên quan “tín dụng đen” trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo hướng ngày càng sâu rộng, nhất là trên không gian mạng để tiếp tục nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân, chủ động phòng tránh, không tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tín dụng đen”.

Ngoài ra, đẩy mạnh đồng bộ thông tin thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Căn cước công dân để loại bỏ triệt để SIM rác, tài khoản ngân hàng không chính chủ. Tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin quảng cáo cho vay liên quan “tín dụng đen” trên mạng viễn thông, mạng Internet và các App cho vay trực tuyến không đúng quy định. Tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để phát sinh tình hình phức tạp, gây dư luận xấu trong Nhân dân.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu cấp bách, chính đáng, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay lãi nặng. Triển khai thực hiện mô hình cho vay tín chấp đối với công dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, từ đó rút ngắn thời gian xác minh khách hàng, giúp quá trình giải ngân các khoản vay được thực hiện nhanh chóng, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen”.

Hồng Ngự

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/dau-tranh-voi-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-lien-quan-den-hoat-dong-tin-dung-den-co-hieu-qua-123025.aspx