Đấu tranh, xử lý án tham nhũng 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

Tham nhũng là vấn nạn của toàn cầu, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do vậy, chống tham nhũng là cuộc chiến cam go và đầy thách thức đối với toàn xã hội, mỗi cá nhân, nhất là những người thực thi nhiệm vụ giải quyết án liên quan đến tham nhũng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được các ngành, các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả bằng các giải pháp thiết thực. Từ đó, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát sinh không nhiều (trong 10 năm qua từ 2012 - 2022, trung bình mỗi năm phát sinh không quá 2 - 3 vụ án tham nhũng), tính chất, mức độ vi phạm cũng không quá gay gắt và trầm trọng. Án này, phần nhiều phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng mạnh dạn nhìn nhận thực tế, tham nhũng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường và mỗi vụ án tham nhũng được phát hiện gây hoang mang, bất an trong dư luận. Bởi đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người từ cấp xã đến cấp tỉnh; người có thâm niên, chuyên môn sâu...

Đối với những vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, lãnh đạo các cơ quan tố tụng thường cử những cán bộ “cứng nghề”, nhiều kinh nghiệm và quan trọng phải có tinh thần trách nhiệm cao, vô tư trong thực thi nhiệm vụ để giao phó trọng trách. Đồng thời, lãnh đạo các cơ quan tố tụng luôn theo sát tiến hành giải quyết vụ án và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn. Tuy nhiên, khi thực thi nhiệm vụ, đòi hỏi người cán bộ phải có “tinh thần thép” để đấu trí cùng tội phạm và chịu áp lực khá lớn. Một cán bộ cơ quan tố tụng từng chia sẻ: “Người phạm tội tham nhũng thường là người có quyền và tiền trong xã hội. Khi hành vi phạm tội đã được phát hiện, họ vẫn rất tinh vi để che đậy, thậm chí họ còn dùng tất cả mối quan hệ, kinh tế để can thiệp. Có trường hợp họ còn dùng cả dư luận, muốn biến cái sai thành cái đúng hoặc tạo sự mập mờ...”.

Mỗi vụ án liên quan đến tham nhũng có rất nhiều hồ sơ và Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ từng chi tiết vụ việc. Ảnh: SỚM MAI

Mỗi vụ án liên quan đến tham nhũng có rất nhiều hồ sơ và Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ từng chi tiết vụ việc. Ảnh: SỚM MAI

Muốn xử lý triệt để tội phạm tham nhũng thì trước hết cần xử lý triệt để những khó khăn của các cơ quan chức năng. Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng có xu hướng tăng về số vụ và thủ đoạn phạm tội càng tinh vi, phức tạp, nhất là sử dụng công nghệ cao. Nhưng lực lượng kiểm sát viên, điều tra viên, những người trực tiếp làm công tác giải quyết các loại việc này thiếu về số lượng và một số cán bộ năng lực hạn chế. Quy định của pháp luật hình sự chưa được tuân thủ từ một số cá nhân, tổ chức khi tham gia tố tụng. Từ đó, khiến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khi tiếp nhận giải quyết các vụ việc, vụ án, nhất là vụ việc, vụ án về kinh tế, tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, công tác trưng cầu giám định, yêu cầu định giá thường có kết luận chậm so với thời hạn quy định, làm cho nhiều nguồn tin về tội phạm hoặc vụ án chậm được giải quyết. Dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan giám định, định giá khắc phục nhưng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nếu khó khăn trên được khắc phục tốt thì công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các loại vụ, việc này của hai cấp kiểm sát sẽ được thuận lợi hơn.

Mỗi cơ quan tố tụng đều phải đối diện trước những khó khăn trong giải quyết án tham nhũng. Theo đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án TAND tỉnh, nhiều án tham nhũng ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của cơ quan nhà nước. Các bị cáo có quyền hạn, chức vụ, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực nên việc che giấu hành vi phạm tội rất tinh vi. Loại án này có khối lượng hồ sơ nhiều (có vụ hồ sơ bút lục lên đến con số hàng trăm, hàng ngàn) nên thẩm phán phải mất nhiều thời gian nghiên cứu. Để việc xét xử chính xác, nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và bản án tuyên tâm phục, khẩu phục thì tòa án chủ động phân công thẩm phán tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, để nắm chắc các tình tiết, nội dung vụ án và thẳng thắn trao đổi, làm rõ các vấn đề nhằm giải quyết tốt vụ án. Tại phiên tòa, tạo “môi trường lành mạnh” trong tranh tụng để tìm ra sự thật của từng vấn đề. Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên quán triệt, triển khai các văn bản có liên quan; quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật mới... để đấu tranh với tội phạm tham nhũng.

Trao đổi về công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, một lãnh đạo cơ quan tư pháp từng nhận định: "Để giải quyết án tham nhũng đạt chất lượng, hiệu quả, cần phải có sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Giúp cán bộ thực thi nhiệm vụ tháo gỡ sự uy hiếp, can thiệp và tâm lý e ngại trước thế lực của người phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần thu hẹp sự khác biệt trong nhận thức; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng với các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo kịp thời đưa các hành vi tham nhũng ra xử lý ngay khi phát hiện”.

PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh cần phải có sự quyết liệt, kiên trì và liên tục. Tại các cuộc họp gần đây, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong tỉnh cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động tích cực học tập, quán triệt sâu sắc, toàn diện, triệt để đường lối, chủ trương của Đảng trong công tác PCTN, tiêu cực...”.

Tham nhũng vừa là một hành vi phạm tội, vừa là một biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, sự suy đồi về đạo đức, lối sống, cần phải loại bỏ. Nhưng việc chống tham nhũng, tiêu cực vô cùng khó khăn, đòi hỏi mỗi cá nhân và toàn xã hội cần phải nâng cao ý thức, quyết liệt đấu tranh trước những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/dau-tranh-xu-ly-an-tham-nhung-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-58944.html