Đấu tranh, xử lý nghiêm 'cát tặc' tại khu vực hạ lưu sông Đà
'Là địa bàn các đối tượng thường lợi dụng để khai thác trộm cát lòng sông. Tuy nhiên, kể từ khi lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh, mạnh tay trong xử lý thì trong nhiều tháng qua, tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận xã quản lý không còn ghi nhận thêm trường khai thác cát, sỏi trái phép nào nữa' - đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) nhấn mạnh.
Thời gian qua, các địa phương thuộc vùng hạ lưu sông Đà như TP Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn, có lưu vực giáp ranh với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội) thường bị các đối tượng lợi dụng để khai thác khoáng sản (cát) trái phép, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng trên, để giải quyết nạn "cát tặc” tại khu vực hạ lưu sông Đà, các đơn vị lực lượng chức năng Công an tỉnh, Công an các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng, nhóm đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản (cát) trái phép.
Theo đó, tính riêng trong tháng ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh năm 2019, các đơn vị lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 25 vụ vi phạm pháp luật về khai thác cát. Trong đó, có nhiều vụ "cát tặc” tại khu vực hạ lưu sông Đà. Như ngày 13/3/2019, tại địa phận xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng tàu sắt mang số hiệu PT0702 khai thác cát trái phép trên sông Đà. Tang vật thu giữ gần 60 m3 cát. Tiếp đó, ngày 1/4/2019, tại km 45+300 khu vực hạ lưu sông Đà thuộc xóm Đồng Sông, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn), tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với đội CSGT đường thủy - Phòng CSGT (Công an tỉnh) và Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng gồm: Nguyễn Danh Giang (SN 1988), Nguyễn Danh Quang (SN 1987), Nguyễn Siêu Quyền (SN 1987), cùng trú tại Ba Vì (Hà Nội) sử dụng tàu cuốc để khai thác cát từ dưới lòng sông Đà lên tàu vận chuyển BKS VP0269 do Thân Văn Trang (SN 1980), trú tại Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội) điều khiển, tang vật thu giữ khoảng 100 m3 cát. Ngày 10/5/2019, tại km 47+300 khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận xóm Bún, xã Yên Mông (TP Hòa Bình), tổ công tác liên ngành gồm Cục CSGT - Đường thủy nội địa - Đăng kiểm đã bắt quả tang tàu cuốc có số đăng ký PT1812 đang khai thác cát, sỏi trái phép rồi chuyển sang tàu sắt có số hiệu HB0611 và VP0307. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện HB0611 đã nhận từ tàu cuốc PT1872 khoảng 170 m3 cát; phương tiện VP0307 đã nhận của tàu cuốc PT1872 khoảng 50 m3 sỏi. Qua kiểm tra, toàn bộ số người có mặt trên các phương tiện đã không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan.
Thượng tá Chu Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm, khai thác khoáng sản (cát) trái phép. Thậm chí có những trường hợp bị xử phạt với số tiền lên đến 100 triệu đồng. Tuy vậy, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà vẫn tiềm ẩn phức tạp. Nhất là tại khu vực giáp ranh với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) và huyện Ba Vì (Hà Nội). Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sử dụng tàu thuyền, máy bơm hút có công suất lớn để hút cát từ dưới lòng sông lên thuyền chở đi tiêu thụ. Khi bị phát hiện, các đối tượng nhổ neo để thuyền tự trôi xuống vị trí hoặc tháo chạy sang địa bàn giáp ranh nhằm đối phó cơ quan chức năng. Vì thế, việc phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, theo thượng tá Chu Thanh Sơn cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành với địa phương. Bên cạnh đó, phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Các cơ quan, lực lượng chức năng cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các huyện, tỉnh bạn giáp ranh trong việc đấu tranh, phát hiện. Hơn nữa, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép. Khuyến khích người dân trở thành "tai mắt” cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng trong việc đấu tranh, phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Có như vậy mới đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi khái thác cát trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà nói riêng và tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh nói chung.