Đầu tư 1.000 tỷ USD, hai tòa nhà chọc trời nằm ngang của Arab Saudi trông như thế nào?
Cao gần 500 m và trải dài tới 120 km, hai tòa nhà mà Arab Saudi dự định xây dựng sẽ trở thành công trình lớn nhất hành tinh, với chi phí là 1.000 tỷ USD.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Arab Saudi đang bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng công trình lớn nhất thế giới nằm ở phía tây bắc của đất nước này.
Công trình này được gọi là Mirror Line, sẽ bao gồm hai tòa nhà chọc trời được ốp kính ở mặt bên, nối liền với nhau qua những lối đi bộ và có một tàu cao tốc sẽ chạy ngay bên dưới. Hai tòa nhà sẽ cao tới 488 m, song song trải dài 120 km trên địa hình bờ biển, núi và sa mạc.
Công trình này dự kiến sẽ có chi phí khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD và sau khi hoàn thành sẽ có sức chứa 5 triệu người. Dự án này nhằm mục đích cho phép một triệu cư dân gặp gỡ nhau trong vòng 5 phút đi bộ. Ngoài ra, những cư dân sinh sống tại đây chỉ mất khoảng 20 phút để đi từ đầu này tới đầu kia của công trình.
Mirror Line chính là tâm điểm của siêu dự án Neom, thành phố thông minh không carbon, do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng xây dựng để đa dạng hóa nền kinh tế của Arab Saudi, một quốc gia vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo dự kiến, Neom sẽ ngốn thêm 500 tỷ USD để xây dựng và sau khi hoàn thành, thành phố thông minh này sẽ có quy mô tương đương với bang Massachusetts của Mỹ.
Vì hoạt động dựa vào năng lượng tái tạo nên hai tòa nhà trải dài 120 km sẽ không thải ra khí carbon, đồng thời rất thân thiện với môi trường. Thông qua dự án Mirror Line, Thái tử Mohammed bin Salman muốn tạo ra công trình mang tính biểu tượng và đầy tham vọng trường tồn với thời gian giống như những kim tự tháp của Ai Cập.
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tuyên bố rằng, ông muốn Mirror Line hoàn thành vào năm 2030, mặc dù các kỹ sư cho biết rằng có thể mất tới 50 năm để xây dựng.
Cộng đồng cư dân tại Mirror Line sẽ được cung cấp nguồn thức ăn thông qua trang trại thẳng đứng sẽ được tích hợp ngay bên trong tòa nhà. Đặc biệt, Mirror Line còn có một sân vận động được thiết kế ở độ cao hơn 300 m và có cả bến du thuyền nằm ở bên dưới vòm giữa của hai tòa nhà.
Theo kế hoạch, nếu hoàn thành, Mirror Line sẽ chạy qua vịnh Aqaba và cắt ngang một dãy núi ven biển. Do đó, để xây dựng công trình này, các nhà thầu cũng sẽ phải đối mặt cũng như giải quyết nhiều vấn đề chẳng hạn như quản lý về sự di cư của hàng triệu con chim bay qua hành lang mà công trình giao cắt. Ngoài ra, với thiết kế về lớp kính ốp ở bên ngoài tòa nhà cũng có thể gây bối rối cho những con chim khi bay qua.
Mặt khác, vì nằm ngang và kéo dài tới 120 km nên Mirror Line cũng sẽ phải uốn cong theo độ cong của Trái Đất.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất đối với công trình 1.000 tỷ USD là việc thiếu ánh sáng mặt trời do hai tòa nhà nằm song song với nhau. Điều này về lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe.
Neom - Thành phố thông minh sẽ sử dụng taxi bay
Dự án Neom được công bố từ năm 2017 và được kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng đô thị để thu hút đầu tư và đa dạng hóa nên kinh tế của Arab Saudi.
Neom là từ ghép giữa từ neos (có nghĩa là mới) trong tiếng Hy Lạp và mustaqbal (có nghĩa là tương lai) trong tiếng Arab. Bao phủ tới 25.900 km2 đất của tỉnh Tabul của Arab Saudi, gần với biến giới Jordan và Ai Cập, Neom là kế hoạch đầy tham vọng nhằm giúp Arab Saudi có thể trở thành trung tâm công nghệ giống như Thung lũng Silicon.
Trong bối cảnh con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu..., Neom được cho là dự án sẽ đưa ra tầm nhìn mới khả quan về cuộc sống trong tương lai.
Theo đó, thành phố Neom sẽ sử dụng taxi bay, có số lượng nhà hàng đạt sao Michelin cao nhất trên thế giới, đồng thời còn có công viên giải trí với nhiều robot khủng long. Neom cũng là thành phố trung tính carbon khi sẽ sử dụng năng lượng mặt trời, trang trại điện gió và công nghệ giúp biến đổi nước thành oxy và hydro để làm nhiên liệu. Ngoài ra, thành phố thông minh này sẽ có vườn san hô lớn nhất thế giới, mặt trăng nhân tạo khổng lồ và cát phát sáng vào ban đêm.
Dự kiến, thành phố này sẽ sử dụng công nghệ gieo hạt trong đám mây nhằm tạo ra các đám mây nhân tạo để cho ra lượng mưa nhiều hơn bình thường. Điều này giúp tưới mát vùng sa mạc khô cằn, đồng thời góp phần cải tạo đất đai, xây dựng hệ thực vật phong phú hơn. Bên cạnh đó, Neom còn sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến với các lớp học được giáo viên ‘thực tế ảo’ giảng dạy.
Neom được kỳ vọng sẽ trở thành nơi thu hút và thử nghiệm những mô hình công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có không ít người nghi ngờ về tính khả thi của Neom khi có nhiều công nghệ được dùng trong dự án này vẫn còn chưa phát triển đầy đủ.
Ngoài ra, theo Bloomberg đưa tin, ngày 24/7, Thái tử Mohammed bin Salman đã công bố thêm chi tiết về thiết kế của Neom. Đoạn video về Neom được công bố cùng ngày trên, cho thấy thành phố thông minh này dự kiến sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo, đồng thời có khí hậu ôn hòa quanh năm nhờ vào hệ thống thông gió tự nhiên.
Nhờ tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nên các dịch vụ trong thành phố sẽ được vận hành tự động, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Siêu dự án Neom có thể thu hút 1,2 triệu dân tới sống vào năm 2030. Con số này có thể lên tới 9 triệu cư dân vào năm 2045. Đây cũng chính là một phần của kế hoạch muốn tăng dân số của Arab Saudi lên tới 50 - 60 triệu người vào năm 2030 mà Thái tử Mohammed bin Salman mong muốn. Trong đó, khoảng một nửa dân số sẽ là người nước ngoài.
Bài viết tham khảo nguồn: Wall Street Journal , Dailymail, Bloomberg