Đầu tư 1,6 tỉ USD, Hyundai tấn công thị trường ô tô tự lái
Tập đoàn Hyundai Motor sẽ đầu tư 1,6 tỉ USD vào Aptiv để thành lập doanh nghiệp liên doanh, phát triển công nghệ xe tự lái.
Đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ một công ty Hàn Quốc để rượt đuổi, cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường ô tô tự lái. Song, theo nhiều chuyên gia, việc Hyundai thiết lập quan hệ hợp tác hiện nay có vẻ hơi muộn bởi công ty này đã tụt sau nhiều đối thủ trên thế giới vốn đã đầu tư mạnh tay vào các công nghệ xe hơi tự lái và chạy bằng năng lượng thân thiện môi trường.
Sẽ có ô tô tự lái hoàn toàn vào năm 2020
Theo thông báo chung từ Tập đoàn Hyundai và đối tác Aptiv, ba công ty thuộc tập đoàn của Hàn Quốc là Hyundai Motor, Kia Motors và Hyundai Mobis sẽ cùng đóng góp tổng cộng 1,6 tỉ USD tiền mặt cùng 400 triệu USD giá trị nguồn lực phát triển và nghiên cứu để cùng Aptiv thành lập doanh nghiệp liên doanh (JV) trị giá 4 tỉ USD.
Công ty Aptiv có trụ sở tại Dublin, Ireland sẽ sở hữu 50% JV, đóng góp công nghệ tự lái, tài sản trí tuệ và khoảng 700 nhân viên, tập trung vào phát triển các giải pháp lái xe tự động có thể mở rộng.
Aptiv là công ty chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi và cung cấp công nghệ cho xe tự lái, từng được biết đến qua cái tên Delphi Automobile sau đó tách ra thành Aptiv và Delphi Technologies vào năm 2017. Công ty nghiên cứu thị trường Navigant Research xác định Aptiv đứng vị trí thứ 4 trong số các công ty có hệ thống tự động lái, sau Waymo, General Motors và Ford.
Trong cuộc phỏng vấn chung giữa lãnh đạo của Aptiv và Hyundai, hai bên cho biết, trong tương lai gần, JV sẽ chưa tham gia vào các dịch vụ hệ thống, dữ liệu hoặc gọi xe. Thay vào đó, liên doanh của Hyundai-Aptiv sẽ tập trung phát triển nền tảng ôtô tự lái cấp độ 4 đến cấp độ 5 trong công nghệ ô tô tự lái, hướng tới thử nghiệm hệ thống tự lái hoàn toàn vào năm 2020, sẵn sàng sản xuất nền tảng cho xe tự lái và có sẵn để cung cấp cho các hãng robotaxi, vận hành taxi cùng các hãng sản xuất ô tô vào năm 2022.
Tiếp theo lộ trình, Hyundai Motor dự định thương mại hóa phương tiện tự lái của riêng mình vào năm 2024. Giám đốc điều hành Aptiv Kevin Clark cho biết, liên minh này ban đầu chỉ tập trung vào công nghệ tự lái cho phương tiện chở khách.
Và Phó chủ tịch Điều hành Hyundai Euisun Chung khẳng định, cuối cùng, mối quan hệ đối tác với Aptiv sẽ giúp Hyundai thúc đẩy tốc độ tự động hóa phương tiện thương mại.
Các Giám đốc điều hành hai công ty kỳ vọng, trong tương lai, công nghệ của họ sẽ được thử nghiệm và phát triển khắp châu Á, Âu và Mỹ để cung cấp các sản phẩm được “đo ni đóng giày” cho các thị trường lớn.
Thậm chí, Phó chủ tịch Điều hành Hyundai Euisun Chung còn tự tin: “Mặc dù Uber đang phát triển công nghệ riêng của họ nhưng có khả năng công nghệ của chúng tôi sẽ tốt hơn và sau đó chính Uber sẽ lại trở thành khách hàng của chúng tôi”.
Xu hướng điển hình trong ngành ô tô
Mô hình liên doanh này là điển hình cho xu hướng hợp tác trong ngành ô tô tự hành hiện nay khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu cùng nhiều nhà cung cấp thiết lập liên minh cùng phát triển công nghệ xe tự lái, một phần là để chia sẻ gánh nặng công nghệ và tài chính khổng lồ.
Mặt khác, động thái đầu tư mới nhất là dấu hiệu cho thấy Hyundai có lẽ đã bỏ chiến lược tự phát triển công nghệ cho xe tự lái. Chiến lược này từng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại vì cho rằng Hyundai có lẽ không thể cạnh tranh trong cuộc đua về công nghệ vận tải trong tương lai.
Hyundai cùng với công ty con Kia Motor đứng thứ 5 trên thế giới về doanh số, đã thực hiện rất nhiều động thái đầu tư vào các công ty công nghệ, đặc biệt sau khi ông Chung được đề bạt 1 năm trước.
Nhận định về triển vọng hợp tác trên, trong một báo cáo, ngân hàng Deutsche cho biết, việc Hyundai rót vốn sẽ giúp Aptiv bớt “khát vốn” trong ngắn hạn. Song, ngân hàng này e ngại, cấu trúc hợp tác mới giữa hai công ty đồng nghĩa Hyundai sẽ là công ty duy nhất được sử dụng các hệ thống tự động do Aptiv cung cấp và các nhà sản xuất ô tô khác không thể tiếp cận.
Hiện nay, công ty Aptiv đang có một số khách hàng lớn như GM, Volkswagen, Fiat. Hyundai Motor cũng là một trong số các khách hàng của công ty có trụ sở tại Boston, Mỹ.