Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm dự án, với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thủy sản và 19 dự án, nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản ưu tiên, với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 5,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức 11 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 16/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của chương trình phấn đấu đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.
Đặc biệt, trong 8 năm tới, ngành thủy sản sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm dự án, với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, nhóm dự án phát triển giống thủy sản 100 tỷ đồng; nhóm dự án phát triển thủy sinh vật cho mục đích làm cảnh, giải trí 50 tỷ đồng; nhóm dự án phát triển các loài vi tảo, rong biển làm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích tăng trưởng cho cây 200 tỷ đồng; nhóm dự án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển 100 tỷ đồng...
19 dự án/nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng, gồm: dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản tập trung chất lượng cao tại Cà Mau, thời gian thực hiện 2022 - 2030, dự kiến kinh phí 100 tỷ đồng; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản mặn lợ tập trung tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên thời gian thực hiện 2025 - 2030, dự kiến 200 tỷ đồng; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng/cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt tập trung tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang thời gian thực hiện 2025 - 2030, dự kiến 200 tỷ đồng.
Nhu cầu thủy sản giai đoạn 2020 - 2030 tăng 18%
Về dự báo thị trường, theo đánh giá của FAO, nhu cầu thủy sản trong giai đoạn 2020 - 3030 sẽ tăng khoảng 18% và sản lượng chỉ tăng 15%. Như vậy có khả năng nhu cầu tăng cao hơn so với năng lực sản xuất. Về nhóm tăng trưởng của giai đoạn tới, ngành thủy sản sẽ chú trọng vào nhuyễn thể, cá biển và rong tảo biển. Với nhóm cá tra, sẽ không tăng trưởng nhiều về sản lượng, nhưng sẽ tăng trưởng về giá trị.
Về kim ngạch xuất khẩu, với tôm xuất khẩu, Bộ NN&PTNT hướng tới mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD đến năm 2025 và 6,2 tỷ vào năm 2030; cá tra hướng tới giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2025 và 3 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, 2 nhóm mới là nuôi biển hướng tới đạt 900 triệu USD vào năm 2025 và 2 tỷ USD vào năm 2030. Những con số này cũng đã được tính toán và cân nhắc rất kỹ từ các yếu tố thị trường, khả năng phát triển.