Đầu tư bài bản cho ngành 'công nghiệp không khói'
Trảng Bom là một trong 4 địa phương có quy mô dân số lớn của tỉnh. Trên địa bàn huyện có 3 điểm du lịch đang được khai thác. Các điểm du lịch ở Trảng Bom có ưu thế về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, có nhà đầu tư, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.
Việc kết nối các điểm du lịch thành tour; hình thành các sản phẩm và dịch vụ phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng như giao thông, nhà lưu trú và phát triển các dịch vụ văn hóa, lễ hội là cần thiết để ngành công nghiệp không khói địa phương phát triển.
* Chưa khai thác hiệu quả
Ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, huyện có tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là tài nguyên thác nước và hệ sinh thái tự nhiên. Các điểm du lịch đang trong quá trình khai thác là: Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (xã Thanh Bình), Yếu khu quân sự Trảng Bom
(TT.Trảng Bom), Thác Giang Điền (xã Giang Điền), Thác Đá Hàn (xã Sông Trầu).
Ngoài ra, H.Trảng Bom còn có nhiều điểm du lịch đang trong quá trình đầu tư xây dựng như: Khu du lịch sinh thái Sông Buông (trên địa bàn 2 xã Đồi 61 và An Viễn), điểm nuôi thả động vật hoang dã (xã Bắc Sơn); Công viên văn hóa Hùng Vương giai đoạn 2 (TT.Trảng Bom) và 1 dự án du lịch quy mô hơn 10ha tại TT.Trảng Bom đã có quy hoạch, đang mời gọi đầu tư.
Cũng theo ông Tiên, các điểm du lịch trên địa bàn được đầu tư bài bản, thu hút khá đông du khách đến tham quan và mang lại nguồn thu đáng kể cho huyện. Nhưng xét về mặt tổng thể, các tài nguyên để phát triển du lịch ở Trảng Bom chưa được khai thác hiệu quả. Việc thiếu lực lương lao động chuyên môn về du lịch, hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số nơi là những nguyên nhân tác động đến phát triển du lịch.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Xây, Giám đốc điều hành Khu du lịch Thác Đá Hàn cho biết, khu du lịch đang trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều khu dịch vụ như: khu vui chơi thiếu nhi, nhà hàng, khách sạn, phòng hội nghị, điểm tracking, khu nông trại và đồi trượt cát sa mạc. Điểm nhấn của Khu du lịch Thác Đá Hàn là nét hoang sơ của thiên nhiên, không gian rộng, đẹp và mát lành. Tuy nhiên, giao thông kết nối vào khu du lịch còn hạn chế. Cụ thể, tuyến đường Trảng Bom - Cây Gáo mới được nâng cấp, mở rộng gần đây, đường 11 - Sông Trầu đi ngang qua cổng khu du lịch chưa được trải nhựa, đường điện chiếu sáng do khu du lịch tự đầu tư. “Những hạn chế về hạ tầng đã tác động không nhỏ đến hoạt động quảng bá và thu hút khách về khu du lịch” - ông Xây cho hay.
Thực tế cho thấy, H.Trảng Bom có nhiều điểm du lịch nhưng người dân địa phương đến đây chưa nhiều, khách ngoại tỉnh đến H.Trảng Bom hầu hết về trong ngày. Đại diện các khu du lịch cho rằng, việc thiếu hụt các sản phẩm du lịch (ẩm thực, vui chơi giải trí, quà tặng lưu niệm) và dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng trong hoặc gần các điểm du lịch là những lý do làm cho du lịch H.Trảng Bom chưa thu hút và giữ chân được du khách. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ngành này chưa phát huy hiệu quả.
* Kết nối các tour - tuyến
Trong buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với H.Trảng Bom mới đây, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH-TTDL cho rằng, so với các huyện, thành phố trong tỉnh, H.Trảng Bom có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Đó là hệ thống các điểm du lịch gắn với di tích văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái tự nhiên; dân số đông, dân cư sinh sống tập trung khu vực thị trấn và một số xã có điểm du lịch. H.Trảng Bom và các huyện lân cận có khá đông lực lượng công nhân lao động, phù hợp với du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại, team building hoặc tổ chức các sự kiện của doanh nghiệp. Các khu du lịch đều có nhà đầu tư khai thác.
Theo ông Bằng, để tạo đà phát triển du lịch, H.Trảng Bom cần có một quy hoạch mở và kế hoạch phát triển du lịch cụ thể. Trong đó phải xây dựng được các tour kết nối những điểm du lịch lại với nhau; các tuyến đường trọng tâm cho phát triển du lịch; các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch.
Đối với các tour du lịch kết nối, lãnh đạo ngành cho rằng có thể khai thác được là: tuyến du lịch sông hồ với điểm đến là hồ Trị An, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa; tuyến du lịch về nguồn Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Yếu khu quân sự Trảng Bom; tuyến du lịch về nguồn kết hợp sinh thái là Yếu khu quân sự Trảng Bom, Thác Đá Hàn; điểm du lịch sinh thái, dã ngoại Thác Đá Hàn, Thác Giang Điền. “Nếu kết nối được các tuyến du lịch này, trục phía Bắc sẽ phát triển mạnh hơn thương mại - dịch vụ và kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội cho huyện” - ông Bằng cho hay.
Theo đề án Quy hoạch xây dựng vùng H.Trảng Bom đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn H.Trảng Bom có các điểm du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa lịch sử là: Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Yếu khu quân sự Trảng Bom, Công viên văn hóa Hùng Vương; các điểm du lịch sinh thái dã ngoại, du lịch cộng đồng kết hợp hội nghị, hội thảo là Thác Đá Hàn, Thác Giang Điền, Sông Buông.
Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho rằng, thời gian tới, công tác đầu tư hạ tầng du lịch được thực hiện lồng ghép với các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của huyện. Một số tuyến đường liên xã, liên huyện đi qua các điểm du lịch đang được đề xuất triển khai, mở rộng. Các điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa được quan tâm đầu tư, tôn tạo; du lịch sinh thái tiếp tục mời gọi tư nhân đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư và hoạt động kinh doanh. Huyện cũng tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch bằng cách đưa các sự kiện văn hóa, thương mại về khu du lịch tổ chức; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ du khách như: bưởi da xanh tại xã Bàu Hàm, thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh, gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh.