Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Thận trọng vấn đề pháp lý
Bất động sản nghỉ dưỡng được xem là 'miếng bánh' béo bở cho các nhà đầu tư, song trong bối cảnh pháp lý chưa rõ ràng, thì việc tìm được chủ đầu tư uy tín là điều quan trọng nhất.
Tại Diễn đàn “Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/6, các chuyên gia cùng đưa ra nhận định, dù chính sách siết tín dụng cho vay bất động sản khiến giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng chậm lại, nhưng đây vẫn là phân khúc đầu tư hấp dẫn.
“Chỉ trong hai năm 2018, 2019 có khoảng 40.000 condotel được mở bán. Sự phát triển bùng nổ các dự án này đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch của nhiều địa phương” - ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI - dẫn số liệu.
Không lo tình trạng cung vượt cầu, song với GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khung khổ pháp lý cho bất động sản du lịch lại là điều đáng lưu tâm. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải xây dựng khung pháp lý cho các bất động sản đa công năng dựa trên tư duy quản lý kinh tế chia sẻ.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nêu quan điểm, thực tế, khung pháp lý của Việt Nam vẫn “đi sau” sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này thể hiện ở việc nếu như năm 2015, khi hoàn thiện về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, chưa có bất kỳ một sản phẩm codotel nào xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên đến năm 2017 đã có hàng loạt các sản phẩm codotel xuất hiện. “Vì vậy, các nhà đầu tư kỳ vọng, các quy định pháp lý cần sớm được hoàn thiện và công nhận bất động sản nghỉ dưỡng là một sản phẩm và được mua bán, thừa kế, chuyển nhượng thuận tiện” - ông Nam nói.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group, trong bối cảnh các chính sách về bất động sản nghỉ dưỡng chưa được ban hành các nhà đầu tư cần nắm vững 3 vấn đề: Cam kết lợi nhuận; quyền sở hữu, sử dụng; phương án giải quyết tranh chấp.