Đầu tư cho công tác người cao tuổi là đầu tư cho phát triển
Đó là một trong những quan điểm tại dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược người cao tuổi (NCT) Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045. Đây là chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của NCT, cũng như công tác NCT, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay.
NCT ở nước ta có truyền thống yêu lao động, chịu thương, chịu khó. Nhiều người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đã từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; có kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ. Đa số NCT sống ở nông thôn, rất ít người có lương hưu, bảo hiểm xã hội và khoản tiền tiết kiệm.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, số năm sống khỏe còn thấp. Phần lớn NCT có bệnh mãn tính, thậm chí ba đến bốn bệnh, trong khi đó, đa số NCT không được khám sức khỏe định kỳ mà chỉ khi bệnh mới đi khám.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn khẳng định: NCT là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với NCT. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2023, Quốc hội đã thông qua hơn 15 đạo luật có quy định các vấn đề liên quan đến quyền lợi và chính sách NCT. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 50 nghị định, quyết định có liên quan trực tiếp đến NCT. Các bộ, ngành đã ban hành hơn 30 thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến NCT.
Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong số ít quốc gia có thời gian chuyển đổi dân số già nhanh nhất, chỉ khoảng từ 18-20 năm. Do đó, thời gian chuẩn bị cho già hóa dân số là rất hạn hẹp, trong khi với một số nước phát triển như: Pháp, Thụy Sỹ, Canada, Mỹ là từ vài chục đến hàng trăm năm.
Để giải quyết đồng bộ các vấn đề về NCT trong thời kỳ già hóa dân số, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của NCT. Hiện nay, vẫn còn tư tưởng NCT là già yếu, là gánh nặng, NCT được con, cháu và xã hội chăm lo nên không cần làm việc nữa.
Trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, cần phân ra các đối tượng để có chính sách phù hợp. Đối với người từ 60-69 tuổi, sức khỏe đa số vẫn còn tốt và có nhu cầu làm việc, cần tập trung vào phát huy; đối với người từ 70-79 tuổi, sức khỏe có giảm sút nhưng vẫn còn khả năng và nhu cầu làm việc thì vừa chăm sóc vừa phát huy; đối với người 80 tuổi trở lên, sức khỏe giảm sút nhiều, cần tập trung chăm sóc.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc NCT, cần tạo điều kiện thuận lợi để NCT phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, trí thức; tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của họ. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời NCT có thành tích xuất sắc...
Trong thực tế, nhiều NCT vẫn tiếp tục tham gia vào tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với gia đình, đa số NCT đảm nhiệm việc nhà, chăm sóc, giáo dục con, cháu. Đối với phát triển kinh tế, hầu hết NCT còn sức khỏe vẫn tích cực lao động sản xuất, trước hết là để tự nuôi sống bản thân, không làm phiền con, cháu và gánh nặng cho xã hội. Nhiều NCT đang làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trang trại, doanh nghiệp, doanh thu mỗi năm hàng tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội, thực hiện giảm nghèo và làm từ thiện.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhiều NCT giữ chức danh bí thư chi bộ, trưởng khu phố, thôn, ấp; trưởng ban công tác mặt trận... Bên cạnh đó, NCT còn tích cực tham gia tổ hòa giải, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở…
Có thể nói, tiềm năng của NCT là rất lớn. Theo cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan sinh thời từng nhấn mạnh: “Già hóa dân số không phải là một gánh nặng, nhưng nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng thì già hóa dân số sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên nghiêm trọng hơn. Già hóa dân số cũng đồng thời đem lại những cơ hội và nếu biết cách huy động, khai thác tiềm năng, già hóa dân số có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội”.