Đầu tư cho đội tuyển taekwondo Việt Nam: Bài học đáng giá
Trong khi nhiều đội tuyển lỡ hẹn với các chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo 2020 thì đội tuyển taekwondo lại khá ung dung bởi họ có một kế hoạch tỉ mỉ cùng sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Bài học về xã hội hóa hoạt động thể thao của taekwondo Việt Nam đáng để phân tích, phổ biến rộng rãi.
Đội tuyển taekwondo Việt Nam nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Quý Lượng
Không thể thiếu doanh nghiệp đồng hành
Ngày 17-6-2019, trong lễ công bố Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) là nhà tài trợ chính cho Giải vô địch taekwondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc, ông Kim Kil Tae (Hàn Quốc) - chuyên gia của đội tuyển taekwondo Việt Nam, đã nêu mục tiêu cùng đội tuyển giành vé dự Olympic 2020. Cơ sở để đặt mục tiêu trên chính là thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn Taekwondo Việt Nam với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) vốn bắt đầu từ năm 2012, khi CJ là nhà tài trợ cho đội tuyển taekwondo Việt Nam. Nhờ vậy, đội tuyển có nhiều chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế.
Cũng ở buổi lễ đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Vũ Xuân Thành chia sẻ rằng, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí nhà nước, taekwondo Việt Nam sẽ rất khó phát triển. Với sự đồng hành của Tập đoàn CJ, đội tuyển taekwondo Việt Nam tự tin đặt mục tiêu giành vé dự Olympic Tokyo 2020.
Để thực hiện mục tiêu ấy, taekwondo Việt Nam liên tục được đầu tư đủ kinh phí từ Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) cũng như Tập đoàn CJ để đưa những VĐV trọng điểm tập huấn, tham dự các giải đấu quốc tế để tính điểm trên bảng xếp hạng thế giới, qua đó tạo lợi thế nhất định trong cuộc đua giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Đến tháng 4-2021, dấu ấn của doanh nghiệp đối với đội tuyển càng thể hiện rõ. Dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng taekwondo vẫn thực hiện kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế trong 80 ngày liên tục để giành vé dự Olympic, giành huy chương ở Giải vô địch châu Á.
Bước đầu, kế hoạch này được thực hiện khá ổn. Theo đó, từ giữa tháng 4, đội tuyển đã lên đường sang Kazakhstan tập huấn rồi sau đó tới Uzbekistan để tiếp tục chuyến tập huấn quốc tế. Từ đây, đội tới Jordan để dự vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á (ngày 20 và 21-5), nơi võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền đã giành vé đến Olympic Tokyo 2020.
Sau vòng loại Olympic 2020, đội tuyển đã đi tập huấn tại Kyrgyzstan để chuẩn bị cho Giải vô địch taekwondo châu Á 2021 ở Liban (từ ngày 16 tới 18-6). Sau Giải vô địch châu Á 2021, đội tuyển trở lại Kazakhstan tập huấn rồi sau đó chuyên gia và VĐV Trương Thị Kim Tuyền sẽ di chuyển thẳng tới Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo 2020.
Chuyên gia Kim Kil Tae chính là người lên kế hoạch cho chuyến đi này. Với việc tập huấn liên tục tại các quốc gia Trung Á, các tuyển thủ có nhiều cơ hội để hoàn thành kế hoạch chuyên môn bởi đó là chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế thực sự hữu ích dù khá tốn kém. Như người trong cuộc đánh giá, nếu chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức tập huấn, thi đấu quốc tế thì chỉ khoảng sau hơn 20 ngày là đội tuyển phải về nước vì hết kinh phí.
Bao giờ được như taekwondo?
Rõ ràng, với sự trợ giúp của Tập đoàn CJ, kế hoạch dài hơi và đương nhiên là tốn kém nói trên đã được thực hiện khá suôn sẻ. Nhờ vậy, sau khi vắng mặt ở Olympic 2016, taekwondo Việt Nam lại có đại diện góp mặt ở sân chơi Olympic Tokyo 2020. Tất cả cho thấy, thành quả của taekwondo Việt Nam tại vòng loại Olympic lần này không phải từ trên trời rơi xuống. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Đào Quốc Thắng cho rằng, taekwondo Việt Nam đã thực hiện được chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế cực kỳ giá trị. Nhờ thế, VĐV Hà Nội Hồ Thị Kim Ngân có điều kiện để nâng trình độ, có sự chuẩn bị tốt cho đấu trường SEA Games 31 cũng như các mục tiêu khác.
Còn Phụ trách bộ môn taekwondo của Tổng cục TDTT Nguyễn Thu Trang cũng nhận định rằng, sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp taekwondo Việt Nam thực hiện được mục tiêu giành vé dự Olympic 2020.
Câu hỏi về giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thể thao đang được đặt ra cho nhiều môn có cơ hội dự Olympic, trong đó có vật và đấu kiếm quốc tế. Đây là hai môn có VĐV đủ trình độ để đoạt vé dự Olympic 2020 nhưng lại thiếu kế hoạch dài hơi để thực hiện mục tiêu giành vé dự Olympic 2020. Nguyên nhân đến từ nền tảng tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế được Tổng cục TDTT phân bổ cho bộ môn. Còn dấu ấn của việc thu hút doanh nghiệp tài trợ cho đội tuyển lại không đáng kể. Điều đó khiến các đội luôn bị động trong kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế. Liên đoàn Vật Việt Nam đã thành lập từ năm 2020 song chưa tạo nên dấu ấn trong việc kêu gọi doanh nghiệp hợp tác, tài trợ dù vật là môn đầy tiềm năng thu hút tài trợ.
Vì thế, vấn đề vẫn là các bộ môn hay liên đoàn thể thao quốc gia của từng môn phải thu hút được các doanh nghiệp đồng hành để hỗ trợ đội tuyển quốc gia trong việc chinh phục các mục tiêu quốc tế.