Đầu tư cho học sinh trường chuyên: Đứt gãy trong đào tạo và sử dụng
Hưởng nhiều chính sách ưu đãi, học sinh trường THPT chuyên được kỳ vọng trở thành những người tài, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đã tận dụng thực sự hiệu quả nguồn lực học sinh chuyên?
Còn trăn trở
Từ thực tế tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), cô Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Phượng nhận định, cơ bản học sinh của trường sau khi tốt nghiệp phát huy tốt năng lực vào công việc, nhiều em thành công trong cuộc sống. Công tác tại sở, ban, ngành của tỉnh, học sinh chuyên đều khẳng định được bản thân.
Tuy nhiên, dù có thế mạnh đi sâu vào một môn chuyên, khả năng tự học tốt, nhưng chưa nhiều em tiếp tục theo đuổi môn chuyên ở các bậc học tiếp theo để phát triển lên thành nhà nghiên cứu, khoa học. Bên cạnh băn khoăn này, cô Đặng Thị Kim Phượng cũng chia sẻ có hiện tượng “chảy máu chất xám” vì nhiều học sinh tốt nghiệp đại học nhưng không quay về địa phương công tác, cống hiến.
“Thu hút các em quay về cần nhiều yếu tố. Trong đó có công việc phù hợp ngành nghề đào tạo; chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, điều kiện phát triển… Do đó, địa phương cần có chính sách thu hút nhân tài cụ thể, thiết thực để các em yên tâm, có động lực quay về quê hương cống hiến”, cô Đặng Thị Kim Phượng chia sẻ.
Theo TS Phùng Kim Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng), đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gồm 5 giai đoạn: Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ. Để phát huy hiệu quả sử dụng nhân tài, cả 5 giai đoạn cần được kết nối chặt chẽ với nhau. Muốn nhân tài phục vụ quê hương, đất nước, Nhà nước phải đóng vai trò điều phối 5 giai đoạn này.
“Thực tế, sau mỗi giai đoạn là sự đứt gãy, nên chúng ta chưa sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao xuất phát từ học sinh trường THPT chuyên”. Đưa nhận định này, TS Phùng Kim Phú cho rằng, trường chuyên chỉ có mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Phát hiện rồi, nhưng bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả.
Việc bồi dưỡng dường như chủ yếu ưu tiên đầu tư cho học sinh trong đội tuyển để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi nên dễ vấp phải bồi dưỡng lệch, tủ, “đào tạo gà nòi”. Chưa chú trọng nhiều đến bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và lý tưởng phụng sự quên hương, Tổ quốc, nhân dân.
Đến giai đoạn đào tạo, chúng ta chưa có quy hoạch gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, gây lãng phí lớn trong giai đoạn tạo nguồn trường chuyên. Ở giai đoạn sử dụng, dù có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Nhân tài cần có môi trường làm việc, không gian sáng tạo và cơ hội cống hiến. Chúng ta chưa thực hiện đồng bộ các yêu cầu này. Về chính sách đãi ngộ, đang thiếu sự cam kết và bền vững, chủ yếu mang tính thời vụ, vì vậy nhân tài sẵn sàng bỏ, nhảy việc sang môi trường có chế độ đãi ngộ tốt, ổn định hơn.
“Như vậy, từ góc nhìn của nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta chưa khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn học sinh từ các trường THPT chuyên”, TS Phùng Kim Phú nhận định.
Người giỏi cần môi trường phù hợp
Theo ông Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện. Chính vì vậy, có thể nói học sinh trường chuyên đa phần là những người ưu tú cần được đầu tư, bồi dưỡng và sử dụng phù hợp, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trong những năm qua, các địa phương rất quan tâm đầu tư cho trường và học sinh chuyên với nhiều chính sách tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hỗ trợ và trao học bổng học lên bậc đại học tại trường uy tín trong nước và quốc tế.
Bản thân các trường đại học trong nước cũng quan tâm thu hút học sinh trường chuyên theo học. Như Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có chính sách tuyển thẳng học sinh trường chuyên vào các ngành đào tạo cử nhân ngoài sư phạm.
Trường đồng thời xây dựng chính sách học bổng để thu hút học sinh trường chuyên đăng ký theo học các ngành sư phạm và khoa học cơ bản. Đặc biệt, ngành khoa học cơ bản rất cần học sinh trường chuyên theo học vì các em có năng lực nổi trội, bên cạnh đó là đam mê nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực.
Đặt vấn đề cần làm gì để thu hút học sinh chuyên khi các em có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, ông Nguyễn Vinh San cho rằng, những người giỏi cần nhất môi trường phù hợp để theo đuổi đam mê và phát huy hết thế mạnh bản thân, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, sáng tạo; sau đó mới đến vấn đề thăng tiến, thu nhập.
Nhiều địa phương khi lựa chọn học sinh để cấp học bổng theo học tại các trường đại học uy tín trong nước, quốc tế chỉ tính đến yếu tố đầu vào, đó là lựa chọn học sinh giỏi, mà chưa tính hết đầu ra là các em đi học về sẽ làm việc ở cơ quan nào, có phù hợp với những gì được đào tạo không.
“Theo tôi, cần có đề án cụ thể để thu hút học sinh tài năng (trong đó có học sinh trường chuyên). Các em cần được lựa chọn để đào tạo cho những lĩnh vực cụ thể mà địa phương đang có chiến lược phát triển, đó phải là lĩnh vực mũi nhọn, hiện đại. Điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực, lĩnh vực nghiên cứu, làm việc.
Các điều kiện này cần được công khai rộng rãi, rõ ràng. Học sinh tham gia các đề án cam kết thực hiện và đền bù nếu vi phạm. Cùng đó, các em có quyền không phải đền bù nếu địa phương vi phạm cam kết về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ. Có như vậy, các em mới đủ tự tin và yên tâm trở lại cống hiến cho địa phương”, ông Nguyễn Vinh San đề xuất.
Kinh nghiệm từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, học sinh chuyên có đầu vào và ra rất tốt. Nhiều giảng viên nhà trường cũng xuất phát từ trường THPT chuyên, có đam mê với ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp tiếp tục gắn bó với ngành và phát triển nhanh về trình độ, học thuật. Vấn đề đặt ra là thu hút thế nào khi các em có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Ông Nguyễn Vinh San