Đầu tư cho lĩnh vực y tế tại Hà Nội tăng gần gấp đôi sau 8 năm
Nếu như năm 2010, thành phố Hà Nội đầu tư 1.141.539 tỷ đồng cho y tế thì đến năm 2018, con số đã tăng lên 2.224.185 tỷ đồng, cao gần gấp đôi.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành phố Hà Nội đã tích cực đầu tư tài chính cho công tác y tế ở cả lĩnh vực dự phòng, khám chữa bệnh, kinh phí ngân sách thường xuyên hằng năm cho y tế năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2010, thành phố đầu tư 1.141.539 tỷ đồng cho y tế thì đến năm 2018, con số đã tăng lên 2.224.185 tỷ đồng, cao gần gấp đôi. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho y tế được triển khai mạnh mẽ.
Ngành y tế Hà Nội có 14 đơn vị xây dựng đề án xã hội hóa theo Nghị quyết số 43/NQ-CP; xây dựng 70 đề án xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị theo quy định tại Thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.
Sáu bệnh viện công lập khác được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế từ nguồn vốn vay tín dụng là Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.
Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đề án liên doanh thành lập pháp nhân mới giữa Bệnh viện Mắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Tasco thành lập Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2.
Công tác xã hội hóa đã góp phần hỗ trợ các đơn vị nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật, thay thế nhiều trang thiết bị hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện lớn, đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Tất cả các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giao quyền tự chủ, tự chịu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức: tự đảm bảo chi thường xuyên; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Hiện nay chỉ còn 6 đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Nhiều bệnh viện đa khoa tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị y tế từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, giảm được số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Từ năm 2012 đến nay, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện 4 lần điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm từng bước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh.
Với nguồn kinh phí thu được từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngành y tế dành từ 3-5% để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị; mua bổ sung, thay thế trang thiết bị y tế bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng khám, điều trị.
Nhiều nguồn tài chính được đầu tư cho công tác y tế đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt; chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập giảm dần; tăng mức tự chủ hoạt động và tài chính của đơn vị.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 của Quốc hội, đầu tư tích cực cho y tế dự phòng.
Đặc biệt là đầu tư tài chính chi cho y tế cơ sở, tạo điều kiện cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện phát triển, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân./.