Đầu tư cho văn hóa hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa mà còn tạo nguồn lực để phát triển bền vững.

Đây là vấn đề được các chuyên gia khẳng định tại Hội thảo khoa học "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ

Những năm qua, vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng với quan điểm: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Nhờ đó, nhiều chính sách, chiến lược, cơ chế đầu tư cho văn hóa được ban hành, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Có thể khẳng định sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa như mong muốn.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các quy mô đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.

ThS Cao Ngọc Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) nêu thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực. Đi ngược từ nguồn nhân lực - hệ thống nghệ sỹ biểu diễn, đội ngũ sáng tạo và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp đang còn thiếu và rất yếu.

"Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới; còn lại đều đã quá cũ không đáp ứng thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các show ca nhạc lớn cũng như vậy phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu" – ThS Cao Ngọc Ánh dẫn chứng.

Theo ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện. Việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực chưa hiệu quả.

Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chia sẻ tại Hội thảo

Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chia sẻ tại Hội thảo

Doanh nghiệp văn hóa cần gì?

Dưới góc nhìn của nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng Nhà nước đầu tư cho văn hóa không ít nhưng chưa hiệu quả.

"Việc đầu tư thường dàn trải, thiếu tập trung, thiếu đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan, thành ra khó xác định được mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Thế nên mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư cho văn hóa nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó"- nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Nhà nước cần có sự lựa chọn dự án để đầu tư hiệu quả hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung kể câu chuyện khó khăn về cấp phép cũng như những thủ tục hành chính khác đã góp vào những nguyên nhân khiến Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa mà ông tổ chức, năm nay phải tạm dừng sau 10 năm.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tại Hội thảo

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tại Hội thảo

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung chia sẻ: "Để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc đầu tư phải có mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan để từ đó xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác mục tiêu cần đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ".

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - cùng góp ý kiến cho thấy các nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa cần được "đầu tư" không chỉ bằng tài chính trực tiếp.

Bà Phạm Thị Thanh Hường cho biết báo cáo của UNESCO sau lấy ý kiến từ các nghệ sĩ, doanh nghiệp của 9 nước Đông Nam Á đã đưa ra 4 khuyến nghị với các cơ quan quản lý để thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp làm văn hóa sáng tạo.

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

"Đó là nguồn đầu tư của Chính phủ bằng tài trợ trực tiếp hoặc các đặt hàng rất quan trọng nhưng đầu tư phi tài chính như hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho doanh nghiệp lại được cho là quan trọng hơn, quyết định sự sống còn và phát triển của các công ty này.

Và đầu tư quan trọng nhất cho nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa là cung cấp các hạ tầng thiết yếu. Khuyến nghị nữa là cần đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, các khung quy định quản lý.

Cuối cùng, các đơn vị từ khu vực công phải có những nghiên cứu về thị trường, phân tích về ngành một cách khách quan, minh bạch và liên tục cập nhật để tư vấn cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp về thực trạng, xu hướng phát triển của ngành"- bà Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ.

Theo KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, các ý kiến tại hội thảo có sự thống nhất về quan điểm đối với các vấn đề trọng tâm, đặc biệt là việc cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng đầu tư công, thu hút và đa dạng nguồn đầu tư cho văn hóa./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dau-tu-cho-van-hoa-huong-toi-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-20241210064243994.htm