Đầu tư cho vùng DTTS là đầu tư cho phát triển
Phát triển vùng DTTS và miền núi không những chưa đạt được các mục tiêu đặt ra, mà thực tế, đồng bào DTTS và vùng DTTS còn đang đứng trước 'nguy cơ' tụt hậu ngày càng xa so với sự phát triển chung của đất nước. Đã đến lúc, tư duy 'Đầu tư cho vùng DTTS là đầu tư cho phát triển' cần được xem xét và triển khai mạnh mẽ.
“Nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS đã giảm dần qua các năm nhưng khoảng cách chênh lệch, mức sống giữa các dân tộc ngày càng lớn. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo là người DTTS còn 720.731 người, chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (trong khi tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% dân số của cả nước), thậm chí còn nhiều nhóm DTTS như: La Hủ, Mảng, Chứt, Ơ Đu, Khơ Mú… tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%.
Không chỉ đứng trước thách thức lớn về tình trạng nghèo, kết cấu hạ tầng vùng DTTS vẫn là một trở ngại lớn khi mà, vẫn còn 1,6% số xã vùng DTTS chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn đến 13.539 thôn, bản mới có đường đất, đường tạm, chỉ đi lại được vào mùa khô. Còn hơn 3.400 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới, 1.422 thôn bản vẫn sử dụng dầu thắp sáng và các loại nhiên liệu khác. Toàn vùng vẫn còn 1.325 trạm y tế bán kiên cố và nhà tạm; nhiều học sinh vẫn phải học trong các lớp học tạm thô sơ…
Bên cạnh đó, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rầm rộ, vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước. Trong đó, 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo; tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người DTTS mới đạt 44,8%; 15,3% hộ gia đình DTTS sống trong các nhà tạm; chỉ có 73,3% số hộ DTTS tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh; mới có 27,9% hộ DTTS có nhà xí hợp vệ sinh…
Trong khi đời sống của đồng bào chủ yếu phụ thuộc vào nông lâm nghiệp, thì đến nay vẫn còn gần 83.000 hộ thiếu đất sản xuất, 24.500 hộ (chủ yếu là DTTS) di cư đến Tây Nguyên đã nhiều năm nhưng chưa được bố trí định canh, định cư…
Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và doanh nghiệp
Trước nguy cơ đối tượng người nghèo, người yếu thế dần dần chỉ còn là hộ người DTTS, tại Hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS”, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhìn nhận, đã đến lúc phải xác định rõ: Đầu tư cho vùng DTTS là đầu tư cho phát triển. Trong đó, nguồn lực nhà nước là quan trọng, cùng với đó phải tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển vùng DTTS.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kso Phước – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu lên nhiều vấn đề cụ thể cần giải quyết đối với vùng DTTS. Trong đó, theo ông Kso Phước, trước hết, phải gom các hộ lại, quy hoạch hoàn thiện trung tâm xã, trung tâm cụm xã, làm đầu kéo để kéo các xã vùng sâu, vùng xa phát triển. Cương quyết đưa các hộ dân ra khỏi những nơi có nguy cơ về thiên tai. Đặc biệt, từ những kinh nghiệm và thực tiễn giải quyết vấn đề di cư tự do, ông Kso Phước khẳng định: “Đây là vấn đề không đơn giản, nhưng nhất định phải giải quyết. Bởi nếu không giải quyết được, chúng ta sẽ phải tiếp tục chiến đấu với đói nghèo ở vùng DTTS”.
Với vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào, ông Kso Phước phân tích: Thực tế, đồng bào chỉ có sẵn đất đai, khả năng lao động chân tay. Muốn đồng bào tiếp cận với sản xuất hàng hóa, việc làm phi nông nghiệp, không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, việc khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã cho vùng DTTS để hướng tới sản xuất lớn sẽ là phương án hiệu quả để bà con thoát nghèo bền vững, thay vì dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Bên cạnh những đề xuất về giáo dục, quản lý đất đai…ông Kso Phước đặc biệt lưu ý đến những chính sách đầu tư giúp một số dân tộc thoát khỏi những khó khăn đặc thù, như: Vấn đề nghiện ma túy của dân tộc Mông, dân số tụt nhanh của dân tộc Ngái, mất ngôn ngữ của đồng bào Ơ Đu, Rơ Măm… Song song với đó, bất kể chính sách gì cũng cần gắn với yếu tố văn hóa, tập quán và các vấn đề liên quan trong quá trình phát triển như: Biến đổi khí hậu, khoảng cách giàu nghèo, cách mạng công nghệ…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-cho-vung-dtts-la-dau-tu-cho-phat-trien-123789.html