Đầu tư chứng khoán của Tập đoàn PAN vượt mức 10.000 tỷ đồng

Kinh doanh rộng mở với lợi nhuận tăng 40% trong nửa đầu năm, Tập đoàn PAN đã dành ra 10.576 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính với tình hình sản xuất kinh doanh tăng trưởng với sự đóng góp tích cực từ các mảng doanh thu cốt lõi. Song, đáng chú ý vẫn là khoản đầu tư tài chính của công ty.

Theo đó tại ngày 30/6/2024, khoản chứng khoán đầu tư tài chính ngắn hạn của PAN đạt 11.077 tỷ đồng, tăng 52% so với số đầu năm.

Trong đó, đầu tư chứng khoán kinh doanh ghi nhận tăng từ 6.676 tỷ đồng đầu năm lên 10.576 tỷ đồng, tương đương tăng 58%. Song, thông tin cụ thể về khoản đầu tư này chưa được công ty thuyết minh cụ thể.

Tập đoàn PAN cho biết, động lực tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện...

Tập đoàn PAN cho biết, động lực tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện...

Quay trở lại với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, quý II/2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.378 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý, dù giá vốn hàng bán tăng nhưng vẫn chậm hơn biên độ tăng của doanh thu đã đẩy lợi nhuận gộp của công ty lên 690 tỷ đồng, tăng 27% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của PAN trong quý ghi nhận giảm nhẹ về mức 121 tỷ đồng.

Theo thông cáo báo chí về kết quả kinh doanh quý II/2024, Tập đoàn PAN cho biết, xét riêng trong quý II, doanh thu lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 20% và 14%.

Động lực của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.

Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu nông nghiệp tiếp tục đến từ Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG) với việc tiếp tục giành thêm thị phần thuốc bảo vệ thực vật. Còn ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, Bibica đẩy mạnh kênh xuất khẩu và đây là yếu tố đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn PAN ghi nhận chi phí bán hàng đạt 278 tỷ đồng và chi phí quản lý đạt 168 tỷ đồng, phát sinh lần lượt tăng 47% và 7% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn PAN báo lãi sau thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.839 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 369 tỷ đồng, tăng 40% so với nửa đầu năm 2023.

Năm 2024, Tập đoàn PAN lên kế hoạch doanh thu đạt 14.780 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, công ty đã hoàn thành lần lượt 42% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận.

Về tình hình tài chính công ty, tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Tập đoàn PAN ở mức 23.364 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản với hơn 52%, tương đương đạt 12.188 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ phải trả của PAN đạt 14.995 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất đến từ vay ngắn hạn đạt 12.376 tỷ đồng, tăng 47%. Bên cạnh việc phát sinh thêm các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng, công ty còn ghi nhận 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành dài hạn đến hạn trả.

Với các khoản vay tăng cao, trong nửa đầu năm 2024, Tập đoàn PAN đã trả 165 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Bên cạnh đó, tại phần thuyết minh báo cáo tài chính, mức thù lao, lương, thưởng của HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc trong quý II/2024 của PAN cũng được công bố. Theo đó, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Trà My có thù lao 560 triệu đồng, ông Nguyễn Duy Hưng 60 triệu đồng, còn các thành viên khác 45 triệu đồng/tháng...

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-tu-chung-khoan-cua-tap-doan-pan-vuot-muc-10000-ty-dong-204240726113434688.htm