Đầu tư cổ phiếu điện, cần quan tâm yếu tố bền vững
Những tranh cãi xung quanh việc lựa chọn cơ cấu nguồn điện phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn tới vẫn chưa có hồi kết. Các ý kiến tập trung vào 3 nguồn hiện đang đóng góp tỷ trọng lớn là thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí, trong đó sự so sánh diễn ra mạnh mẽ giữa hai nguồn điện than và khí ở 3 khía cạnh: chi phí vốn đầu tư, hiệu quả và tác độngtới môi trường.
Chi phí nhiệt điện than chưa hẳn rẻ nhất
Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn ưu tiên phát triển nhiệt điện than, tỷ trọng nhiệt điện than đến năm 2030 có thể chiếm một nửa sản lượng điện toàn quốc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Có luồng quan điểm cho rằng, đây là nguồn điện có giá rẻ nhưng gây ô nhiễm môi trường và cần tiến tới hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Câu hỏi cần đặt ra là nếu đóng cửa, hoặc dừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than thì đâu sẽ là nguồn thay thế? Việc tái cơ cấu nguồn điện là câu chuyện rất lớn và liên quan tới nhiều bộ, ngành.
Nhưng, điện than có thực sự là nguồn điện có chi phí rẻ nhất?
Hiện có sự khác biệt khá lớn trong kết quả tính toán của các tổ chức quốc tế và Việt Nam về chi phí của các nguồn điện. Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ, chi phí phát điện công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp thuộc vào dạng thấp nhất trong các nguồn. Một số dữ liệu khác thu thập được cho thấy, chi phí sản xuất điện (LCOE) của nhiệt điện khí có thể bằng, thậm chí hoặc thấp hơn cả thủy điện.
Sự khác biệt trên xuất phát từ nguồn số liệu tính toán. Thời điểm, vị trí địa lý, tình trạng nhà máy, công nghệ, giá cả vật tư, hệ số công suất, hệ số sẵn sàng, trình độ tổ chức, quản lý của các nhà máy phát điện khác nhau sẽ cho các con số khác nhau.
Cùng một nguồn phát điện là nhiệt điện than, nhưng theo kết quả khảo sát của một số chuyên gia, khu vực Quảng Ninh có những nhà máy có giá bán điện chỉ khoảng 5,5 - 6,2 US cent/kWh, trong khi các nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu có giá bán điện khoảng 8,3 US cent/kWh.
Mức giá trần của hợp đồng mua bán điện (PPA) đối với nhiệt điện than theo giá than nhập khẩu (chưa bao gồm thuế VAT, chi phí cảng biển, hạ tầng…) cho năm 2019 vào khoảng 8,1 US cent/kWh (công suất tính nhà máy 600 MW).
Để so sánh về chi phí của hai nguồn điện than và khí, thử làm phép so sánh hai nhà máy điện với công suất tương đương nhau thuộc 2 nguồn than và khí là Nhà máy Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 1&2 và Nhà máy Nhiệt điện than Quảng Ninh, các số liệu cứng tính toán tham khảo thêm từ Thông tư 56/2014/TT-BCT.
Nhìn vào bảng so sánh, có thể thấy sự chênh lệch đáng kể giữa tổng mức đầu tư và chi phí nguyên vật liệu giữa nguồn điện than và khí. Chi phí nguyên vật liệu cũng chính là nhân tố chủ yếu dẫn tới giá vốn phát điện than rẻ hơn giá vốn phát điện khí.
Tuy nhiên, theo thông số nhiên liệu của Quyết định số 281/QĐ-BCT thì giá than nhập khẩu chưa bao gồm VAT và chi phí vận chuyển đang ở mức 1.737.978 đồng/tấn (tỷ giá USD/VND là 23.350), với suất tiêu hao nhiên liệu tinh ở mức tải 85% cho nhà máy công suất 1.200 MW là 0,474 kg/kWh thì số tiền phải bỏ ra mua than để sản xuất 1 kWh điện khoảng 830,7 đồng. Tính thêm VAT, chưa tính chi phí vận chuyển vào khoảng 913,8 đồng và chưa tính các nguyên vật liệu phụ khác trong quá trình sản xuất, có thể thấy, giá nguyên vật liệu cho phát điện than không rẻ hơn giá nguyên vật liệu cho phát điện khí.
Một biến số khác rất quan trọng là giá phát điện than chưa tính tới các chi phí cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Để phát triển các dự án nhiệt điện than, cũng cần đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than.
Bài toán hiệu quả và tác động tới môi trường
Rất khó để so sánh tính hiệu quả giữa các nguồn điện vì nó phụ thuộc vào cơ cấu vốn, hiệu quả vận hành và cả vị trí địa lý, nhu cầu phụ tải, ưu tiên điều độ của các nguồn điện này. Cùng là nguồn điện chạy nền, Nhiệt điện than Quảng Ninh (QTP) với hệ số tải lớn hơn, giá bán điện thấp hơn nhưng hiệu quả hoạt động của Điện lực dầu khí Nhơn Trạch (NT2) lại tốt hơn QTP vì thuận lợi của những biến số khác.
Trong tương lai, giá bán điện sẽ tiếp tục tăng theo cơ chế thị trường, vừa để thu hút thêm nhà đầu tư mới. Theo nguyên tắc huy động, tất nhiên, lợi thế vẫn sẽ thuộc về các nhà máy điện với chi phí phát điện thấp, tính kinh tế có thể tốt đối với các nhà máy đã khấu hao hết hoặc đã theo sát cơ chế thị trường từ lâu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn nữa tới tính bền vững và hệ quả của sự phát triển này, hơn là chỉ chú trọng tới tính kinh tế.
Hiện tại, trong danh sách 14 dự án nhà máy điện than đang được đề xuất ngưng thực hiện, có tới 6 nhà máy bị lãnh đạo tỉnh, thành phố phản đối hoặc dự tính chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện sang khí đốt hay các nguồn năng lượng xanh khác, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Long An 1, Long An 2 (Long An); Nhà máy Quảng Ninh 3, Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh) và 2 nhà máy Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang). Có 5 nhà máy (Quỳnh Lập, Quỳnh Lập 2 - Nghệ An; Vĩnh Tân 3 - Bình Thuận; Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh và dự án An Khánh - Bắc Giang) đang bị cộng đồng xã hội và người dân địa phương phản đối. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) đã trì hoãn 8 năm, trong khi 2 dự án Long Phú 2, Long Phú 3 ở địa phương này chưa tìm được nhà đầu tư. Tổng công suất điện dự kiến của 14 nhà máy được đề xuất ngưng là 17.390 MW.
Ngành công nghiệp điện trong giai đoạn ban đầu chủ yếu sử dụng những nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí tự nhiên, dầu… Quá trình sản xuất điện từ các nhà máy nhiệt điện diễn ra bằng cách đốt những nhiên liệu này tạo ra nhiệt năng, cấp nhiệt cho nước. Nước được đun nóng tạo thành hơi nước, sau đó hơi nước di chuyển qua tua-bin tạo ra điện. Tuy nhiên, quá trình đốt nóng này sẽ tạo ra nhiều khí độc hại như CO2 (nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính); SO2 (có thể gây mưa axit), NOx (gây ra các vấn đề cho hệ hô hấp), tro bụi…
Không những thế, các nhà máy điện thường được đặt ở các vị trí gần nguồn nước để bơm nước làm mát máy. Lượng nước này sau khi được sử dụng sẽ chứa Clo và kim loại nặng, thải ra theo đường sông, hồ, có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nước và các khu dân cư lân cận.
Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than gây ra lượng thải khí CO2 rất lớn. Cùng một chi phí nguyên vật liệu thì nhà máy nhiệt điện than tạo ra lượng điện nhiều hơn không đáng kể so với nhà máy nhiệt điện khí, song lượng phát thải khí CO2 lại lớn hơn rất nhiều.
Thử lấy ví dụ, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào vận hành chính thức trong năm 2015. Theo dự kiến, khi vận hành tối ưu thì với 2,7 triệu tấn than sẽ sản xuất được 7,2 tỷ kWh điện. Như vậy, 1 kg than sẽ tạo ra khoảng 2,67 kWh. Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 2 đã đi vào vận hành chính thức từ năm 2011, nhà máy này thời gian vừa qua tiêu thụ trung bình 879 triệu m3 khí tự nhiên và tạo ra khoảng 4,7 tỷ kWh. Như vậy, 1 m3 khí tự nhiên sẽ tạo ra khoảng 5,34 kWh.
Than nhập khẩu hiện có giá trung bình 80 USD/tấn, như vậy, 1 kg than sẽ có giá khoảng 0,08 USD, còn khí tự nhiên hiện nay theo giá thị trường vào khoảng 0,2 USD/m3.
Nếu cùng sử dụng 0,2 USD nguyên liệu, nhà máy nhiệt điện than sẽ sản xuất ra 7,1 kg CO2 và 6,67 kWh điện. Trong khi đó, khí tự nhiên chỉ sản xuất 1,93 kg CO2 và tạo ra được 5,34 kWh điện. Đây chính là lý do các nước trong dài hạn sẽ tăng tỷ trọng nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo và khí tự nhiên, giúp hạn chế việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phát triển năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng nguồn điện từ những năng lượng bền vững đang là chủ trương được Chính phủ quan tâm. Với nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu của các doanh nghiệp điện, ngoài các con số về hiệu quả sinh lời trong quá khứ và tương lai ngắn hạn, cũng cần chú ý tới tính bền vững của dự án điện nếu muốn bỏ vốn vào dòng cổ phiếu “phòng thủ” này.