Đầu tư cổ phiếu là cách tốt nhất để đánh bại lạm phát
Công ty quản lý tài sản của Goldman Sachs khuyến nghị đầu tư cổ phiếu theo chu kỳ cùng với thị trường chứng khoán châu Âu và thị trường mới nổi.
Goldman Sachs Asset Management khuyến nghị nhà đầu tư giữ vững niềm tin vào cổ phiếu. Trong báo cáo Investment Ideas 2022, Goldman khẳng định đầu tư cổ phiếu đem lại cơ hội tốt nhất để đánh bại lạm phát.
Đầu tư cổ phiếu theo chu kỳ - như tài chính, năng lượng và tài nguyên – đặc biệt thích hợp để hưởng lợi từ việc giá cả tăng. Những công ty này vượt trội so với số đông khi nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, hay phục hồi từ khủng hoảng.
Bloomberg nhận định ràng trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong gần 40 năm, nhà đầu tư đang đánh giá lại chiến lược sinh lời. Sau hai năm gần như mọi loại tài sản từ chứng khoán cho đến tiền mã hóa và bất động sản tăng vọt, viễn cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang khiến thị trường bất an và phát động cuộc săn lùng cơ hội mới.
Goldman cũng ưu tiên đầu tư cổ phiếu của những ngành như bất động sản và cơ sở hạ tầng, vì giá trị của hợp đồng thường tăng khi lạm phát đi lên. Công ty khuyến nghị nhà đầu tư chọn quỹ đầu tư chứng khoán theo phong cách chủ động thay vì đổ tiền vào quỹ chỉ số thường có chi phí rẻ hơn.
"Những nhà quản lý có thể chọn lựa những công ty được bảo vệ phần nào từ giá cả tăng hay được hưởng lợi từ môi trường lạm phát có thể tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn chiến lược mô phỏng chỉ số chứng khoán. Ví dụ về những công ty có triển vọng tốt bao gồm nhà sản xuất năng lượng, công ty có chi phí lao động thấp hay chuỗi cung ứng bền bỉ", báo cáo viết.
Theo Goldman Sachs, chứng khoán châu Âu, Nhật Bản và thị trường mới nổi có thể là những mục tiêu tiềm năng, vì chúng đang rẻ so với tiềm năng tăng trưởng. Triển vọng tương lai này khác với hiệu suất quá khứ: Trong 2021 chỉ số S&P 500 tăng 27%, chỉ số châu Âu MSCI đi lên 22%, còn chỉ số thị trường mới nổi MSCI sụt giảm 5%.
Năm nay, định giá cao của chứng khoán Mỹ đồng nghĩa với mức tăng có thể khiêm tốn hơn. Các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi cũng thường có nhiều tiếp xúc với hàng hóa hơn, có thể giúp bảo vệ chống lại lạm phát.
Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn bất chấp chiến dịch siết chặt quản lý của chính phủ đã cản đường tăng trưởng vào năm ngoái. Cam kết giảm khí thải carbon cũng như đổi mới trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe là những mặt tích cực cho thị trường Trung Quốc.
Báo cáo của Goldman viết: "Tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc có thể khiến thị trường này quá lớn và quá quan trọng để ngó lơ. Nhưng khi nói về phân bổ tài sản, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa đặt tỷ trọng đủ lớn của danh mục cho Trung Quốc, dù nước này được kỳ vọng sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030".