Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy, học ngành học Mầm non

Năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất đối với mạng lưới cơ sở giáo dục Mầm non (MN). Qua đó, góp phần duy trì tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường MN đạt chuẩn Quốc gia.

Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi kiểm tra Trường Mầm non Phú Thành A (huyện Tam Nông) đạt chuẩn “Xanh - Sạch - Đẹp”

Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi kiểm tra Trường Mầm non Phú Thành A (huyện Tam Nông) đạt chuẩn “Xanh - Sạch - Đẹp”

Sở GD&ĐT, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp MN; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục MN theo quy định. Sở GD&ĐT tổ chức các Đoàn kiểm tra, làm việc với Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố để nắm tình hình khó khăn, vướng mắc và kịp thời giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất trường, lớp MN ở các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời ban hành văn bản, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường kiên quyết chuyển học sinh từ điểm trường phụ về điểm trường chính, chủ động xóa bỏ các điểm trường phụ chưa đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học theo quy định. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố không chỉ phát triển mạng lưới giáo dục công lập mà còn kêu gọi đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Đến nay, toàn tỉnh có 184 trường MN, 448 điểm trường, 143 cơ sở giáo dục MN độc lập tư thục được cấp phép, 2.124 nhóm, lớp với 62.014 trẻ. Tổng số trường MN đạt chuẩn Quốc gia là 124/174 trường.

Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT rà soát, sắp xếp đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh giảm 8 điểm trường. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục MN theo hướng tinh gọn; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở một số trường được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn. Song song với việc rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục MN, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện cơ bản hợp lý, phù hợp, theo đúng các quy định hiện hành. Năm học 2023 - 2024, các đơn vị trường được đầu tư, xây dựng, hoàn thành chủ yếu từ nguồn vốn chuyển tiếp của năm 2022 với tổng nguồn vốn bố trí hơn 126 tỷ đồng. Cùng với đó, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo Dự án mua sắm trang thiết bị MN giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng.

Cơ sở vật chất được đầu tư, hoàn thiện, góp phần bảo đảm các điều kiện tổ chức bữa ăn cho trẻ tại đơn vị, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; môi trường giáo dục phù hợp, thân thiện. 100% các đơn vị trường có các công trình vệ sinh, nước sạch và bố trí khu vực phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị trường còn trang bị tủ thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu, xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho trẻ; hướng dẫn, giáo dục trẻ có các kỹ năng như: vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. 100% các trường MN thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh, gây mất an toàn cho trẻ. Đảm bảo lộ trình đầu tư ngành học MN theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD&ĐT, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; tăng cường hoạt động kêu gọi, tài trợ, viện trợ phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

H.AN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/dau-tu-co-so-vat-chat-dap-ung-nhu-cau-day-hoc-nganh-hoc-mam-non-124841.aspx