Đầu tư có trọng tâm

Cuộc sống ngày càng được nâng cao nên nhu cầu cải thiện đời sống tinh thần cũng vì thế ngày một lớn.

Các gia đình dã ngoại tại Công viên Yên Sở. Ảnh: Trần Ngọc

Các gia đình dã ngoại tại Công viên Yên Sở. Ảnh: Trần Ngọc

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Hà Nội vẫn thiếu những khu công viên, tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại phục vụ đời sống tinh thần của người dân mỗi dịp nghỉ lễ.

Hà Nội có hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời tương đối lớn hiện tại là Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn; thêm vài địa điểm du lịch khác là Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Vườn Quốc gia Ba Vì… cũng không thấm tháp gì so với dân số khoảng 8,5 triệu người. Còn những công viên đã có chẳng thể bù đắp nổi những nhu cầu của người dân Hà Nội và nhiều địa phương khác mỗi khi về Thủ đô vào dịp nghỉ lễ.

Chứng kiến cảnh khu Công viên Yên Sở tràn ngập lều cắm trại vào các kỳ nghỉ ngắn ngày mới thấy Hà Nội thực sự cần giải bài toán đầu tư vào lĩnh vực này.

Và ngẫm thêm thấy man mác buồn khi nhiều công viên vắng bóng khách hoặc để lãng phí như Công viên Tuổi trẻ. Từng là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Thủ đô, với diện tích hàng chục ha “đất vàng”, nhưng Công viên Tuổi trẻ (trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) nhiều năm nay luôn khiến người ta… xót xa.

Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các công viên đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nằm trong mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa từ năm 2014. Đến năm 2016, Công viên Kim Quy (trên địa bàn huyện Đông Anh) được khởi công, với diện tích 100ha; năm 2020, UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đồng bộ khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới.

Mục tiêu nhằm phát huy giá trị cảnh quan khu đất giáp hồ Tây, tạo điểm nhấn, điểm đến văn hóa, văn minh, hiện đại và ấn tượng với du khách; Lập quy hoạch chi tiết 44,4ha đất tại phường Quảng An, Tây Hồ với chức năng chính là công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật với một nhà hát quy mô, hiện đại… Vậy nhưng, đến nay các dự án lớn này vẫn chưa rõ ngày khai trương.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với 2022. Và chắc hẳn những năm tiếp theo con số sẽ lớn dần lên. Vì lẽ đó, trước tiến độ đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí lớn còn chậm, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội sẽ phải triển khai thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

Trước mắt, dành nguồn lực để xây dựng và phát triển một số khu, điểm du lịch thực sự đặc sắc, nổi bật, mang thương hiệu du lịch Thủ đô hiện có. Việc TP Hà Nội đã lựa chọn như: Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Vườn Quốc gia Ba Vì... rồi các làng nghề truyền thống, những điểm du lịch tâm linh… cần sớm bắt tay vào thực hiện.

Đối với các công viên hiện có, tập trung cải tạo, đầu tư xây dựng theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn. Tinh thần là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để không những đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, mà còn tạo lực thu hút đông đảo du khách thập phương; Tiếp tục giữ vững và xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Thuần Hưng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-tu-co-trong-tam.html