Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã thực hiện sắp xếp đơn vị Hành chính

Ngày 28/04, Tổ công tác số 1 của Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 do Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Đoàn giám sát đã có buổi khảo sát tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Huyện Thạch Hà đã tiến hành sắp xếp 15 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính mới, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 124 cán bộ, công chức. Sau sắp xếp đơn vị hành chính huyện Hà Thạch còn 22 xã, thị trấn trong đó có 2 đơn vị hành chính đạt tiêu chí về quy mô dân số và diện tích, 13 xã đạt trên 50% quy mô dân số những chưa đạt 50% quy mô về diện tích.

Sau sáp nhập huyện Thạch Hà còn dôi dư 9 trụ sở UBND xã và 6 trạm y tế xã, bên cạnh đó trụ sở hành chính, trạm y tế của đơn vị hành chính mới chưa đóng tại trung tâm xã mới, cơ bản các đơn vị thiếu phòng cũng như một số trang thiết bị làm việc. Bên cạnh đó, sau sáp nhập một số chính sách đặc thù không còn, khiến cho người dân băn khoăn.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THỦY, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh : "Sau sáp nhập thì có những thiệt thòi đối với người dân về chính sách đặc thù. Như sáp nhập 3 xã trước khi sáp nhập là xã miền núi, nhưng khi sáp nhập thì không có trong danh sách, đề nghị cần có chính sách chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi cho bà con Nhân dân."

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết: theo Nghị quyết 32 của Chính phủ lúc đầu có quy định nếu 2 hoặc 3 đơn vị thực hiện sáp nhập thì đơn vị nào chế độ chính sách cao nhất thì đơn vị mới sẽ được hưởng chế độ chính sách cao nhất. Tuy nhiên khi thực hiện thì quy định này lại vướng bởi các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông NGUYỄN ÁNH DƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ: “Ghi nhận những ý kiến này thì Bộ Nội vụ sẽ xem xét, ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ thì các chế độ chính sách, chế độ phụ cấp miền núi đề nghị hưởng chế độ cao nhất. Chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền. Về đề nghị xem xét xã miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí xác định xã miền núi.”

Cũng tại buổi làm việc các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Thạch Hà làm rõ việc bố trí sắp xếp đối với cán bộ dôi dư; kiến nghị phương án thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tới.

Ông TÔ VĂN TÁM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội : “Trong báo cáo có kiến nghị mới là trong giai đoạn tiếp theo sẽ không tiến hành sáp nhập nữa, kể cả những xã không đủ điều kiện thì vẫn kiến nghị không làm. Đây là kiến nghị mới khác với các tỉnh. Các tỉnh khác kiến nghị trong giai đoạn tới các xã đã sáp nhập trong giai đoạn này mặc dù chưa đủ 2 tiêu chí cũng không tiếp tục sáp nhập trong giai đoạn tới, đối với các xã khác tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp."

Bà NGUYỄN THỊ NGUYỆT, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh : “Cần có sự linh hoạt trong đề án sáp nhập giai đoạn tới, có nghĩa là những đơn vị đã sáp nhập rồi nhưng chưa đủ điều kiện về dân số diện tích thì không nên sáp nhập nữa để tạo sự ổn định cho địa phương phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng đoàn giám sát ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo huyện Thạch Hà, đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, thời gian tới sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm tạo thuận lợi trong phục vụ các dịch vụ công, mạng lại lợi ích của người dân, thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu: "Trong điều kiện chưa đủ nguồn lực để tập trung cho các đơn vị, chúng ta chọn những xã gần nhau, trong cụm sáp nhập để có đầu tư thể hiện rõ tính đúng đắn. Kinh nghiệm là đầu tư vào hạ tầng giao thông để bảo đảm liên kết vùng ở khu vực để người dân cảm thấy thuận lợi trong đi lại, từ đó tạo dư địa thu hút đầu tư"

Đối với công tác cán bộ, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh việc sắp xếp bố trí phải đảm bảo có lý, có tình bởi đây là việc liên quan đến tâm tư tình cảm của con người, đồng thời, đề nghị đại diện Bộ Nội vụ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương để nghiên cứu tiếp thu vào các văn bản trong thời gian tới./.

Thực hiện : Thùy Linh Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dau-tu-co-trong-tam-trong-diem-cho-cac-xa-thuc-hien-sap-xep-don-vi-hanh-chinh