Đầu tư công nghệ thu trữ khí CO2
Để đạt được trung hòa về khí CO2 vào năm 2050, thế giới không chỉ cần giảm khí phát thải mà còn phải loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 khỏi khí quyển. Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) vừa được công bố tập trung vào các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa phát thải. Trong số đó, sáng tạo nhất là thu giữ và loại bỏ vĩnh viễn CO2 khỏi khí quyển.
Tập trung vào công nghệ
Công ty Công nghệ thanh toán trực tuyến Stripe vừa hợp tác với một số doanh nghiệp như Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (công ty mẹ của Facebook) công bố thành lập Công ty Frontier với kế hoạch mua công nghệ lưu trữ khí CO2 vĩnh viễn, trị giá 925 triệu USD, từ các công ty đang phát triển công nghệ này trong 9 năm tới. Frontier sẽ là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Stripe. Alphabet, Meta, nền tảng thương mại điện tử Shopify, Công ty tư vấn khổng lồ McKinsey đang tham gia và cam kết mua một số giải pháp thu giữ CO2. Công việc của Frontier sẽ là thu thập các cam kết tài chính từ các công ty và chính phủ muốn mua các giải pháp thu giữ CO2 để thực hiện tốt cam kết phát thải bằng 0 của họ, kiểm tra các nhà cung cấp các giải pháp đó và thanh toán cho các nhà cung cấp sau khi các giải pháp được thực hiện.
IPCC ước tính, để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,50C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, trung bình mỗi năm sẽ phải loại bỏ 6 tỷ tấn CO2 khỏi bầu khí quyển từ nay tới năm 2050. Nhưng đến nay, mỗi năm chỉ mới có gần 40 triệu tấn khí CO2 được thu giữ trên toàn cầu. Do vậy, sáng kiến Frontier thể hiện nỗ lực đẩy nhanh việc thu giữ khí CO2. Ông Julio Friedmann, nhà khoa học trưởng tại Carbon Direct - công ty đầu tư và tư vấn cho các công ty về các giải pháp loại bỏ khí CO2, đánh giá: Thái độ về thu giữ và loại bỏ CO2 đang thay đổi. Nguyên nhân một phần vì chúng ta chưa giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu với tốc độ và quy mô cần thiết.
Báo cáo lần thứ 6 của IPCC, được công bố trong tháng 4 này, đặc biệt đề cập đến tầm quan trọng của việc thu giữ khí CO2, theo đó, “để đạt được mức phát thải CO2 bằng 0 ở cả toàn cầu và quốc gia, cần gia tăng thu giữ và lưu trữ khí CO2”.
Các nước vào cuộc
Ở Mỹ, dự luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng bao gồm 3,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp của chính phủ liên bang vào các công nghệ thu giữ và lưu trữ khí CO2; trong khi Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã cam kết lưu trữ 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Bộ Năng lượng Mỹ gần đây đã công bố ngân sách 96 triệu USD để cải tiến công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2. Bang Pennsylvania, Mỹ, vừa đưa ra dự luật thu giữ CO2. Dự luật sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý và quy định cho các dự án thu giữ, lưu trữ CO2 tiềm năng. Theo các nghị sĩ bang này, dự luật là một bước đi chủ động để đảm bảo tương lai của Pennsylvania như một trung tâm thu giữ và lưu trữ CO2.
Nhà máy lớn nhất thế giới chuyên thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí vừa bắt đầu hoạt động ở Iceland vào tháng 9-2021, có thể thu giữ 4.000 tấn CO2 khỏi không khí mỗi năm. Nhà máy mang tên Orca này có các bộ lọc đặt trong các quạt lớn thu giữ CO2 từ khí quyển và lưu trữ dưới mặt đất trong đá bazan, nơi nó có thể được khoáng hóa. Ocra do Climeworks của Thụy Sĩ xây dựng, hợp tác với Công ty Carbfix để thực hiện quá trình khoáng hóa nhanh chóng dưới lòng đất. Đây là quá trình mà CO2 được thu giữ trong không khí, trộn với nước và được bơm sâu dưới lòng đất, sau đó giữ lại trong đá thông qua một quá trình tự nhiên diễn ra trong vòng chưa đầy 2 năm. Orca được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Climeworks cho biết, một nhà máy như thế này có thể được xây dựng ở bất kỳ quốc gia nào có năng lượng tái tạo và các điều kiện cần thiết để lưu trữ CO2 khoáng hóa.
Ở châu Á, Bộ Công nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tạo khung pháp lý cho việc thu giữ và lưu trữ khí CO2, cho phép các công ty bắt đầu lưu trữ CO2 dưới lòng đất hoặc dưới đáy biển vào năm 2030, nhằm giúp quốc gia này đạt được mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2050. Theo đó, ước tính Nhật Bản sẽ lưu trữ 120-240 triệu tấn CO2/năm từ năm 2050. Đề cương bao gồm kế hoạch đệ trình một dự luật lên Hạ viện sớm nhất là vào năm 2023 để thiết lập quyền lưu trữ CO2 mới và giới hạn trách nhiệm của các nhà khai thác trong trường hợp rò rỉ hoặc các sự kiện khác. Chính phủ Nhật Bản cần hành động nhanh chóng vì các công ty sẽ bắt đầu nghiên cứu khả thi vào năm 2023 và đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng vào năm 2026, để có thể bắt đầu kinh doanh thu giữ và lưu trữ khí CO2 vào năm 2030. Bộ Công nghiệp cũng có kế hoạch pháp lý về việc vận chuyển CO2 thải ra ở Nhật Bản đến các quốc gia khác và lưu trữ ở đó, vì không thể lưu trữ tất cả CO2 trong phạm vi Nhật Bản.
CO2 được tách khỏi khí quyển như thế nào?
Về cơ bản có 2 cách. Cách thứ nhất, sử dụng khả năng tự nhiên của cây cối, thảm thực vật để thu nhận và lưu trữ CO2 bằng phương pháp quang hợp. Ví dụ điển hình về việc loại bỏ CO2 hữu cơ là trồng rừng và các hoạt động nông nghiệp chôn vùi CO2 trong lòng đất. Cách thứ hai gồm các giải pháp công nghệ để tách CO2 trực tiếp từ không khí và lưu trữ vĩnh viễn hoặc sử dụng cho một số mục đích khác. Tuy nhiên, để đạt được sự trung hòa về khí hậu trong 30 năm tới, cần phải thu giữ CO2 lâu dài dưới lòng đất, như lưu trữ chúng trong các mỏ dầu hoặc khí đã cạn kiệt hay trong các tầng chứa nước mặn (mỏ đá có chứa nước muối).
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//dau-tu-cong-nghe-thu-tru-khi-co2-808718.html