Đầu tư công nghệ vận tải thông minh
Thị trường vận tải nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kinh tế-xã hội đất nước. Trong bối cảnh doanh nghiệp vận tải 'trăm hoa đua nở', nhiều đơn vị đã chú trọng tìm cho mình hướng đi riêng. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, đã mạnh tay đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, thông minh, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Đặt yêu cầu an toàn lên trên hết
Một trong những sự kiện đáng chú ý của lĩnh vực vận tải thời gian gần đây là cái bắt tay giữa hai "ông lớn": Tập đoàn Mai Linh và Tập đoàn Willer (Nhật Bản), hình thành công ty liên doanh Mai Linh-Willer. Đây là hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch chất lượng cao. Tập đoàn Willer là doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản về xe khách liên tỉnh. Điểm ấn tượng khi tìm hiểu về doanh nghiệp này đó là tiêu chuẩn an toàn gần như đạt tuyệt đối với mức trung bình một xe khách đường dài chạy quãng đường tương đương 22 vòng Trái Đất mới xảy ra va chạm. Nhắc đến mối lương duyên giữa Mai Linh và Willer, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh chia sẻ: "Chúng ta vẫn thường mong đi đến nơi, về đến chốn. Câu nói đó cũng như tâm nguyện của Mai Linh là đưa dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất đến khách hàng. Chúng tôi hợp tác với Tập đoàn Willer, đơn vị có công nghệ tiên tiến, hệ thống an toàn hàng đầu thế giới để đưa thành tựu của thế giới về xây dựng sản phẩm cho người Việt Nam".
Tuyến xe khách đầu tiên được liên danh Mai Linh-Willer lựa chọn khai thác là tuyến Hà Nội-Thanh Hóa với kỳ vọng mang tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản đến người dân Việt Nam. Toàn bộ nội thất, công nghệ, hệ điều hành hiện đại nhất đều được Tập đoàn Willer chuyển giao, đào tạo cho phía Mai Linh. Điểm nhấn của tuyến xe khách này là tính năng an toàn được thiết lập bởi quy trình vận hành và đào tạo nghiêm khắc với các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến từ Nhật Bản. Đáng chú ý, trên xe có các thiết bị hiện đại như “tai nghe phát hiện buồn ngủ”, đeo ở tai lái xe nhận biết trước những cơn buồn ngủ, máy sẽ rung, đánh thức lái xe và truyền dữ liệu về máy điều hành trung tâm để can thiệp kịp thời. Với “Máy kiểm soát tốc độ”, khi lái xe chạy vượt tốc độ hoặc phanh gấp, xe lập tức báo chuông và dữ liệu cũng báo về máy chủ ở trung tâm điều hành. Mỗi chặng, lái xe chạy không quá hai tiếng/lần, nhằm bảo đảm an toàn và mang đến sự an tâm cao nhất cho khách hàng. Ngoài việc lái xe được đào tạo kỹ lưỡng và tuân thủ quy định về an toàn, mọi hoạt động trên xe đều được chuyển về trung tâm điều hành để sẵn sàng hỗ trợ trên suốt hành trình.
Đồng bộ từ phương tiện, con người đến hạ tầng
Mặc dù thị trường vận tải nước ta ngày càng chuyên nghiệp hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế là tình trạng "xe dù", "bến cóc" vẫn còn nhức nhối. Không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cạnh tranh chủ yếu bằng giá cả mà coi nhẹ chất lượng dịch vụ. Để đầu tư hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ, các trang thiết bị, công nghệ về an toàn cho xe khách như Tập đoàn Mai Linh đang áp dụng ước tính chi phí gấp 3 lần so với mức đầu tư thông thường. Điều này là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hoạt động vận tải đang đứng trước hai yêu cầu, đầu tiên là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn giao thông. Đây là đòi hỏi cấp thiết của khách hàng, người dân, cơ quan quản lý nhà nước, cần được ưu tiên hơn cả. Mặt khác là yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh. "Tôi cho rằng cần tiếp tục tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp quản lý, nhằm giải quyết hài hòa hai yêu cầu trên", ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải được đánh giá là khởi đầu quan trọng để đưa kinh nghiệm, công nghệ quản lý, thiết bị tiên tiến vào Việt Nam, phục vụ cho công tác bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hiện nay, một số quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đang tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến sắp tới, Luật Giao thông đường bộ sẽ được sửa đổi, bổ sung. Quá trình triển khai công nghệ về quản lý an toàn, chất lượng của một số doanh nghiệp vận tải tiên phong sẽ là kinh nghiệm có thể xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng quy định pháp luật. Để có chuyến xe an toàn, ngoài phương tiện, con người, cũng cần phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, trạm dừng nghỉ, bến xe. Ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, Tập đoàn Mai Linh và Tập đoàn Willer còn tiếp tục sát cánh để nghiên cứu, hướng đến đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, bến xe đạt tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam, góp phần đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng hiện đại cho hoạt động vận tải phát triển.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dau-tu-cong-nghe-van-tai-thong-minh-593347