Đầu tư công: nghịch lý được giao vốn nhưng trả lại

Cho dù việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 sớm hơn, thực hiện theo Luật Đầu tư công mới nhưng vẫn có các hiện tượng đáng lưu ý. Cụ thể, một số dự án được bố trí kế hoạch nhưng đơn vị được giao trả lại vốn, trong khi nhiều dự án không đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ.

 Các dự án giao thông có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất trong năm 2019 Ảnh: Bộ GTVT

Các dự án giao thông có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất trong năm 2019 Ảnh: Bộ GTVT

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong phần báo cáo trước Quốc hội hôm 20-10 cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định giao tổng mức vốn trước ngày 30-11-2019, tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công mới.

Tổng số vốn kế hoạch năm 2020 đã được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương giao chi tiết cho các dự án đạt 97,1% kế hoạch. Song số liệu cũng cho thấy còn 1/53 bộ, cơ quan trung ương chưa có phương án phân bổ kế hoạch vốn năm 2020; tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa giao chi tiết hiện còn 13.996 tỉ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có phương án điều chuyển vốn kịp thời, tránh gây lãng phí nguồn lực, giao bổ sung cho đơn vị thực hiện tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án. Bên cạnh đó, theo các báo cáo của Chính phủ, công tác giao vốn còn một số hạn chế như: một số dự án được bố trí kế hoạch nhưng đơn vị được giao trả lại vốn trong khi nhiều dự án không đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ; một số trường hợp phải giao nhiều lần.

Số liệu báo cáo cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020 được cải thiện so với các năm trước. Ước giải ngân đến ngày 30-9 đạt 56,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong bối cảnh dịch bệnh, đạt được kết quả này là nỗ lực lớn.

Tuy nhiên, kết quả cụ thể cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số đơn vị còn chậm, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2020 là rất khó khăn. Còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó 11 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương đã qua 9 tháng chỉ giải ngân được 20% là chậm, cần có giải pháp quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Trong số các dự án đầu tư công, giải ngân mạnh nhất thuộc về các dự án giao thông. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tỷ lệ giải ngân tương đối tốt so với tỷ lệ bình quân chung. Trong thời gian tới, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch đã giao, góp phần giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/309725/dau-tu-cong-nghich-ly-duoc-giao-von-nhung-tra-lai-.html