Đầu tư công sôi động, kinh tế nhanh phục hồi
Làn sóng dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế nước ta 2 năm vừa qua chao đảo. Chính phủ đang có các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và giải ngân nhanh nguồn vốn này được coi là 'cú hích' cho nền kinh tế nhanh hồi phục. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.
Chú trọng hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Ngay những ngày đầu năm 2022, gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó, tập trung khá lớn vào đầu tư công.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc xác định hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế qua đầu tư công là một quan điểm tương đối mới nhưng lại là phương thức hỗ trợ để chú trọng đến hiệu quả và chất lượng nguồn vốn đầu tư.
Thực tế đã chứng minh giải pháp phục hồi kinh tế từ đầu tư công của Quốc hội, Chính phủ là hoàn toàn có cơ sở khi trong 2 năm vừa qua (2020 và 2021), mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ giải ngân của 2 năm này lại đạt rất cao, lần lượt trên 91% và trên 93% so với kế hoạch năm. Kết quả giải ngân cao đã khích lệ tinh thần nỗ lực vượt khó trong đại dịch của các bộ, ngành, địa phương nhằm sớm đưa nguồn vốn này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Dự án đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu từng, bộ, cơ quan, địa phương thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, gỡ bỏ các nút thắt, điểm nghẽn để đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Với sự rốt ráo của người đứng đầu Chính phủ cùng với việc chủ động cập nhật tiến độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công có thể thấy, giải ngân vốn đầu tư công không còn là của riêng một bộ, ngành, địa phương nào mà là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022-2023 của cả nước, sẽ được toàn hệ thống chính trị giám sát để đốc thúc triển khai hiệu quả.
Không để lỡ nhịp
Để không lỡ nhịp với tiến độ phục hồi kinh tế của cả nước, tại các dự án giao thông lớn, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc – Nam có tiến độ hoàn thành vào năm 2022 này, như dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - quốc lộ (QL) 45, Phan Thiết – Dầu Giây, các nhà thầu đều tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được Bộ Giao thông vận tải giao. Xác định có khối lượng thi công mới có khối lượng giải ngân, ban điều hành dự án đã đồng hành cùng các nhà thầu chủ động dự liệu các khó khăn có thể xảy ra để có phương án khắc phục từ sớm, duy trì xuyên suốt quá trình thi công.
Ngoài ra, một cách làm hay của Bộ Giao thông vận tải đáng để học hỏi là bộ này đã quyết liệt chỉ đạo điều chuyển hạng mục công trình từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu đủ năng lực. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chỉ cho phép các ban quản lý dự án giữ lại 5% tiền bảo hành công trình, không giữ 2% tiền phục vụ quyết toán công trình để giúp nhà thầu bảo đảm năng lực tài chính, tăng khối lượng giải ngân dự án.
Cải cách hành chính kho bạc, tạo thuận lợi tối đa trong giải ngân
Góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực phục hồi nền kinh tế, với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước đã linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với 2 cơ chế kiểm soát là “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước, kiểm soát sau”. Đồng thời, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành. Đối với các khoản thanh toán còn lại, Kho bạc Nhà nước quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng.
Nhờ đẩy nhanh tiến độ thi công ngày đêm và chia sẻ khó khăn với nhà thầu nên nhiều dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến nay rất cao. Theo đó, trong quý I/2022, Bộ Giao thông vận tải đang là 1 trong số ít các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao khi đạt 17,6% kế hoạch đã giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.
Hà Nội - Thủ đô của cả nước, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được khởi công xây dựng trong năm 2022. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi công và giải ngân, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan coi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là thước đo đánh giá người đứng đầu mỗi đơn vị.
Đặc biệt, ngày 15/4 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố. Mục tiêu là phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, từng chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án; xem xét, điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm mới thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 được trên 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả trên là thấp so với cùng kỳ năm 2021, vì cũng thời điểm này của năm 2021, tỷ lệ này là 13,17%.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân thấp là do tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ- TTg về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, ngành, địa phương (đợt 2). Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Hơn nữa, 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công thường được đẩy mạnh vào các quý III và quý IV của năm. Vì thế, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.
Bộ Tài chính nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về giải ngân
2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tích cực đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ, nhập dự toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các dự án để thực hiện.
Đồng thời nhận thức sâu sắc tinh thần tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về việc Chính phủ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, Bộ Tài chính đã cùng các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, đảm bảo năng lực và khả năng thực hiện của dự án, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.